Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Khởi nghiệp ở tuổi 50
Tháng 12/2018, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - ông chủ của tập đoàn Vingroup - ghi tên mình vào danh sách 220 người giàu nhất thế giới, tiếo tục giữ vững danh hiệu doanh nhân Việt Nam được xếp hạng cao nhất trong lịch sử của Forbes, với 6,7 tỷ USD tài sản cá nhân được thống kê.
Trong năm 2018, Vingroup của tỷ phú Vượng đã ghi dấu ấn với việc công bố chiến lược trở thành một tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Dịch vụ tầm cỡ thế giới với mảng công nghệ chiếm tỷ trọng doanh thu chính. Và đúng với tinh thần mãi mãi khởi nghiệp, chỉ trong vòng một năm, Vingroup đã cho ra mắt mẫu xe hơi, xe máy điện, điện thoại thông minh, khởi công xây dựng trường đại học hay thành lập hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và dữ liệu lớn… Đây đều là những mảng kinh doanh trái ngược hoàn toàn với hoạt động cốt lõi của Vingroup từ trước tới nay là bất động sản.
Bên cạnh những dấu ấn trong hoạt động kinh doanh, Vingroup còn là doanh nghiệp đầu tiên chia sẻ gánh nặng chi phí bản quyền truyền hình với VTV để đưa WorldCup về với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – Doanh nhân Việt với các giải thưởng toàn cầu
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch HĐQT - Cổ đông sáng lập của tập đoàn Sovico Holdings; Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vietjet; Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank. Bà là Cử nhân Kinh tế và Tài chính, Tín dụng - Ngân hàng, Tiến sỹ Kinh tế.
Cuối tháng 12, Tạp chí kinh doanh nổi tiếng Forbes đã công bố danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2018. Và tiếp nối năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – TGĐ Vietjet Air đã có mặt ở vị trí số 44, tăng 11 bậc. Còn trong danh sách tỷ phú USD, bà Thảo cũng ghi tên mình với khối tài sản 2,6 tỷ USD.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo
Bảng xếp hạng thường niên của Forbes được dựa trên các tiêu chí về tài sản, sự nổi tiếng trên truyền thông, phạm vi ảnh hưởng và tầm ảnh hưởng trong và ngoài lĩnh vực của mình, tầm ảnh hưởng quốc tế.
Trước đó, vào giữa tháng 12, Bloomberg cũng đưa bà Thảo vào danh sách 50 Nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018. Danh sách này bao gồm nhiều gương mặt nổi tiếng và uy tín như ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ; bà Amy Hood, Giám đốc tài chính của Microsoft; bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada, bà Leanne Caret, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành phụ trách quốc phòng, hàng không và an ninh của Tập đoàn Boeing…
Giữa tháng 11, tại Asean Bussiness Awards 2018, bà Thảo còn nhân được hai giải thưởng là Nữ doanh nhân xuất sắc tại khu vực ASEAN và Nữ doanh nhân xuất sắc Việt Nam. Mặc dù vậy, 2018 cũng là một năm nhiều sóng gió trong hoạt động của Vietjet Air. Trong 4 tháng cuối năm, Vietjet Air đã gặp phải 7 sự cố hàng không, trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng đến mức Cục Hàng không quyết định giám sát đặc biệt, dừng tăng chuyến để rà soát, đánh giá lại vấn đề khai thác.
Lộ diện hai tỷ USD mới của Việt Nam: Trần Bá Dương – Trần Đình Long
Năm 2018, Việt Nam ghi nhận thêm hai doanh nhân góp mặt trong bản đồ tỷ phú USD thế giới đó là ông chủ Trường Hải Trần Bá Dương (1,8 tỷ USD), và đại gia thép Hòa Phát Trần Đình Long (1,3 tỷ USD). Cả hai doanh nhân này đều lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes vào tháng 3/2018.
Năm 2018 Việt Nam đón nhận hai tỷ phú USD
Ông Trần Bá Dương là Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động nổi bật tại lĩnh vực lắp ráp và phân phối xe hơi. Hiện doanh nghiệp này vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức tại Việt Nam. Mới đây, Trường Hải cũng ghi dấu ấn với sự kiện cắt băng khánh thành nút giao vòng xuyến 2 tầng với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Đây là công trình mà Trường Hải xây tặng tỉnh Quảng Nam.
Còn về ông Trần Đình Long, với nhiều diễn biến bất lợi của thị trường thép, chính sách thuế, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã sụt giảm mạnh trong năm 2018. Khối tài sản của ông Long vì thế cũng giảm mạnh. Đầu tháng 12/2018, ông Long đã không còn tên trong danh sách tỷ phú USD của Forbes theo cập nhật mới nhất.
“Đại chiến hôn nhân” tại Trung Nguyên lên đỉnh điểm
Sau nhiều năm tranh chấp pháp lý liên miên, vụ ly hôn ngàn tỷ giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo - ông Đăng Lê Nguyên Vũ đã trở nên kịch tính và lên đỉnh điểm vào năm 2018.
Vợ chồng đại gia Trung Nguyên căng thẳng trong hôn nhân và quyền lực
Cuối tháng 3/2018, trên trang Facebook cá nhân, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kể về nội tình câu chuyện với ông Vũ và tiết lộ nguyên nhân khiến mối quan hệ tan vỡ. Cụ thể, Bà Thảo cho biết, ông Vũ đã thay tâm đổi tính sau 49 ngày thiền định, và trở thành “một con người khác”. Bà Thảo đã bị tước bỏ quyền điều hành Trung Nguyên, trong khi ông Vũ lại giao hết quyền hành cho cấp dưới.
Bà Thảo cho rằng ông Vũ đã bị thao túng, sức khỏe và tâm lý không bình thường. Cuối tháng 9/2018, TAND Cấp cao tại TPHCM đã khôi phục tư cách Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên trong kết luận tại vụ án “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty”. Tuy nhiên, sau đó không lâu, Trung Nguyên đã lập tức ra văn bản mới để bãi nhiệm chức vụ này của bà Thảo. Tranh chấp lại tiếp tục kéo dài tại Trung Nguyên.
Còn về vụ ly hôn, sau nhiều lần hòa giải không thành, cặp vợ chồng Thảo – Vũ dự kiến sẽ ra tòa vào ngày 29/1 sắp tới đây.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết hiện thực hóa “giấc mơ bay”
Cuối tháng 5/2018, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã chính thức được thành lập với vốn điều lệ 700 tỷ đồng do Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sở hữu 100%. Ngày 12/11/2018 Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức cấp Giấy phép KDVCHK cho Bamboo Airways.
Đại gia Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC
Trong quá trình đợi cấp giấy phép, Bamboo Airways đã kí kết hàng loạt biên bản liên quan đến việc thuê, mua máy bay trị giá hàng tỷ USD.
Chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không này cũng đã liên tục được thay đổi. Sau nhiều lần lùi lịch, mới đây nhất Bamboo Airways đã chính thức mở bán vé vào 12/1/2019 và sẽ bay chuyến đầu tiên vào ngày 16/1.