Nói đến Vietjet, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến CEO tài tình của hãng hàng không này - bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Những chia sẻ của bà về quan điểm chuyện việc, chuyện đời dưới đây sẽ hiểu giúp bạn hiểu hơn về nữ tỷ phú trẻ tuổi này.
CEO của Vietjet từng chia sẻ rằng, bà khá bỡ ngỡ khi bỗng dưng phải làm quen với danh xưng tỷ phú. "Thú thực là tôi chưa quen với cụm từ này. Chân thành mà nói, trong suốt 30 năm kinh doanh, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền, càng không đặt một mục tiêu phải thành "triệu phú" hay "tỷ phú" gì cả. Sỡ dĩ nói như vậy vì tôi lớn lên trong điều kiện không thiếu thốn về vật chất.
Thế nhưng, khi làm doanh nhân, là trụ cột của doanh nghiệp, tổ chức, tôi luôn quan tâm làm sao doanh nghiệp có chỗ đứng, làm sao sản phẩm mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, đối tác.
Khi đưa Vietjet lên sàn chứng khoán, mục tiêu tôi đặt ra chỉ là mang tới cho giới đầu tư tại thị trường chứng khoán một sản phẩm mới mẻ. Ấy nhưng lúc bắt tay vào làm mới biết có bao nhiêu rào cản, đặc biệt trong việc chứng minh doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quốc tế. Và để khởi động, chúng tôi đã mất 800 ngày cùng với sự tư vấn của ba ngân hàng quốc tế.
Riêng khoản phí cho luật sư cũng đã mất vài triệu USD, nhưng việc chi thì vẫn phải chi để đảm bảo chất lượng thông tin, tài liệu đáp ứng được nhu cầu khắt khe nhất. Đã có những lúc ban lãnh đạo phải ngồi lại để trả lời câu hỏi: "Có đi tiếp hay không?", bởi phía trước tồn tại nhiều vấn đề có nguy cơ không thể vượt qua. Nhưng rồi chính sự quyết tâm vững bước đã đem lại "quả ngọt".
Tôi không làm việc tới mức độ "dồn mọi sức lực" gì trong 800 ngày, vì làm việc chăm chỉ là thói quen có lẽ đã ăn vào máu của tôi 30 năm nay. Đối với tôi, thách thức không phải đến từ cá nhân mình, mà đến từ đội ngũ làm dự án.
Tôi đã động viên, hướng dẫn để làm sao mọi người cũng có thời gian làm việc, nghỉ ngơi và tiếp nhận kiến thức mới của thị trường, động viên mọi người cùng nhẫn nại, nỗ lực đi đến cùng. Nhiệm vụ của tôi là truyền tinh thần, thói quen và kinh nghiệm của mình để anh em đi đến bước cuối cùng".
Thời điểm dồn sức cho IPO Vietjet, khi mọi người bế tắc không thể giải quyết nổi những yêu cầu của luật sư từ hãng lớn, cộng thêm thủ tục hành chính ở Việt Nam, tôi phải năn nỉ, thuyết phục họ rằng chúng tôi làm thật và tuân thủ đúng các chuẩn mực. Thật sự, nếu như không có một chút sự nhẫn nại, bao dung thì khó có kết quả trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Và khi trở thành lãnh đạo trong tổ chức lớn, mang tính chất toàn cầu, trách nhiệm của mình là phải xây dựng được tầm nhìn, chiến lược, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn trong luật pháp và quan hệ quốc tế. Chỉ có thế thì doanh nghiệp mới mong có chỗ đứng trong nền kinh tế nội địa, rộng hơn là thế giới.
"Tạo ra sản phẩm có giá trị mới là cách để đóng góp, xây dựng đất nước trường tồn. Đó là trách nhiệm của người lãnh đạo". Cùng với đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp sao cho vẫn phát huy tinh thần Á Đông mà.
Để bộ máy Vietjet vận hành tốt như hiện nay, chắc chắn không thể kể đến đóng góp của 20.000 nhân viên. Trong vai trò lãnh đạo, tôi đã cố gắng làm sao để dẫn dắt họ hội nhập với tinh thần, văn minh toàn cầu. Muốn làm được việc đó thì lãnh đạo phải có tư duy hội nhập mà thôi.
Không chỉ trong tập thể, mình còn phải có trách nhiệm lan tỏa tinh thần đó rộng hơn, chạm tới khách hàng, đối tác. Theo tôi, là lãnh đạo ở đâu thì cũng phải như thế!
Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, thách thức quan trọng nằm ở chính bản thân những doanh nghiệp, người lãnh đạo, có muốn vươn lên để dẫn đầu hay không.
Cống hiến sức lực cho doanh nghiệp nhiều là vậy, thế nhưng tôi vẫn luôn chú trọng cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc lãnh đạo.
Nói đơn giản, theo tôi là mình cứ mang cái chất phụ nữ vào kinh doanh, và ngược lại, mang những kiến thức hàn lâm như quản trị doanh nghiệp, nhân sự... về nhà. Có thể ai cũng nghĩ tôi là người rất bận rộn, nhưng tôi vẫn có thời gian cuối tuần xem phim và chăm sóc cho con cái.
Thời nay người ta nói nhiều về bình đẳng giới và sự đấu tranh cho vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Thực ra tôi nghĩ đã có rất nhiều người làm điều này, và có lẽ tôi xin phép không tham gia vào việc này nữa.
Khổng Tử đã từng nói: "Hãy cho đi và đừng mong chờ nhận lại điều gì". Khi mình cho đi với tất cả cái tâm và sự bao dung, dịu dàng của người phụ nữ thì đối tác, cộng đồng sẽ có sự ghi nhận nỗ lực của chúng ta. Lúc đó, người phụ nữ sẽ đạt tới sự bình đẳng. Nếu không đóng góp, cống hiến mà cứ nhắc đến bình đẳng thì đó là sự đòi hỏi một chiều. Cá nhân tôi không gặp sự bất bình đẳng ở bất cứ đâu.
Lại nói đến một câu nói của Khổng Tử: "Người phụ nữ có trách nhiệm gấp ba lần người thường", thì mình hãy cứ nỗ lực gấp ba lần. Đừng đòi hỏi người ta phải công nhận mình, hãy coi đó như một lẽ đương nhiên, nếu có thì là món quà cuộc sống.
Nhiều lúc ở công ty tôi nói rất mạnh, nhưng thực ra bên trong vẫn là một người phụ nữ Á Đông, và phải hài hoà rất nhiều viêc. Phụ nữ Việt Nam phải quán xuyến việc nhà, từ những việc rất nhỏ như nấu ăn, trông con, hay cả việc... thắt cà vạt cho chồng. Nên biết làm sao, hãy cứ nỗ lực gấp ba người thường!
Về vụ tiếp viên mặc bikini trên chuyến bay Vietjet, thực ra đây là một tai nạn. Trong một chuyến bay mùa hè tới thành phố biển, chúng tôi đơn giản chỉ muốn mang lại niềm vui cho khách hàng, và quyết định sẽ làm một màn trình diễn bikini. Sau đó, chúng tôi bị Cục Hàng Không phạt 1000$ vì "biểu diễn bikini không xin phép". Mọi người bảo đó là một chiêu marketing nhưng thực ra đó là một tai nạn nghề nghiệp.
Tại sao Vietjet tổ chức show bikini đó? Chúng tôi muốn hướng đến sự tự do nhất của con người, có nghĩa là nhân viên, hành khách hay bất cứ ai có thể mặc thứ họ thích. Những người khác có thể thích hay không thích, nhưng tôi lại thấy vui và hạnh phúc. Tinh thần của Vietjet là mang lại niềm vui, hạnh phúc cho khách hàng. Có người hỏi tôi nếu bây giờ cho cơ hội quay lại, thì có trình diễn bikini nữa không? Tôi nghĩ câu trả lời sẽ là có, vẫn làm.
Nếu nói Vietjet cạnh tranh trực tiếp với hãng hàng không nào đó thì chưa hoàn toàn chính xác. Vì thực sự Vietjet luôn tạo ra khách hàng mới cho mình, và đồng thời tạo cơ hội bay cho những khách hàng này.
Theo thống kê của Vietjet, 20 - 30% hành khách của chúng tôi chưa từng đi máy bay trước kia. Điều này có thể cảm nhận rõ rệt tại các sân bay như Chu Lai, Biên Hoà, Pleiku... Chúng tôi đã tạo ra cơ hội đi lại cho hàng triệu người.