Tạp chí Forbes (Mỹ) mới đây đã công bố danh sách tỷ phú USD trong năm 2019, theo đó năm vừa qua chứng kiến số lượng tỷ phú và tổng tài sản của họ đều giảm. Điều này cho thấy ngay cả những người giàu nhất thế giới cũng không tránh khỏi những khó khăn của nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán suy giảm.
Theo tạp chí này, năm 2019 toàn thế giới có 2.153 người sở hữu khối tài sản trên 1 tỷ USD, và tổng giá trị tài sản của giới siêu giàu này ước đạt 8.700 tỷ USD.
Trong khi đó, dù Việt Nam đã có thêm 2 đại diện trong danh sách này nhưng so với 5 quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, số lượng tỷ phú và tài sản của họ vẫn kém rất xa.
|
Phân bổ các tỷ phú USD trên thế giới. Nguồn: Forbes. |
109 tỷ phú USD tại Đông Nam Á, Việt Nam chỉ góp 5 người
Thống kê năm nay của Forbes cho thấy khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì 6 quốc gia có doanh nhân sở hữu khối tài sản trên 1 tỷ USD. Trong đó, toàn khu vực có tổng cộng 109 doanh nhân với khối tài sản đạt trên 367,5 tỷ USD.
Trong khi Việt Nam chỉ góp mặt 5 cái tên, tăng 1 so với năm trước thì Thái Lan tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về số lượng tỷ phú. Cụ thể, có tới 31 doanh nhân người Thái Lan sở hữu khối tài sản trên 1 tỷ USD, tăng 1 người so với năm 2018. Tổng tài sản của các tỷ phú Thái Lan cũng cao nhất khu vực khi đạt tới 94,8 tỷ USD.
Singapore tiếp tục là quốc gia xếp thứ 2 về số lượng tỷ phú USD khi có 22 người trong danh sách này, tổng tài sản của các tỷ phú tại đây cũng đạt 71,3 tỷ USD.
Các vị trí tiếp theo vẫn lần lượt thuộc về Indonesia với 21 đại diện; Philippines với 17 người; Malaysia với 13 doanh nhân.
Với Việt Nam, dù đã có thêm 2 doanh nhân trong danh sách này nhưng bảng xếp hạng tỷ phú USD lần này đã không còn tên ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát. Điều này khiến số lượng tỷ phú USD Việt Nam có tên trong danh sách năm 2019 chỉ là 5 người, thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Với số lượng hạn chế, khối tài sản của các tỷ phú Việt cũng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.
Trong khi 5 tỷ phú Việt chỉ sở hữu khối tài sản 13,6 tỷ USD, thì 31 tỷ phú của Thái Lan sở hữu tới 94,8 tỷ USD, gấp gần 7 lần.
Tính bình quân tài sản trên mỗi tỷ phú sở hữu tại các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn đứng cuối so với các quốc gia khác khi bình quân mỗi tỷ phú chỉ sở hữu 2,72 tỷ USD tài sản.
Trong khi đó, Malaysia mới là quốc gia có tỷ lệ tài sản ròng trung bình của các tỷ phú cao nhất với 4,74 tỷ USD/người. Xếp thứ 2 về tỷ lệ này là Indonesia với 3,74 tỷ USD/người.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ bao nhiêu Đông Nam Á?
Sở hữu khối tài sản lên tới 6,6 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ so với năm 2018, nhưng đại diện giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup chỉ xếp thứ 12 trong khu vực Đông Nam Á.
Xếp ngay trên ông là ông The Hong Piow, tỷ phú người Malaysia. Ông là Chủ tịch không điều hành của Ngân hàng Công Cộng Malaysia, nơi ông đã bắt đầu kinh doanh từ năm 1966 và có nhiều thập kỷ ngồi ghế chủ tịch.
Vị doanh nhân này sở hữu gần 1/4 vốn tại ngân hàng này, đồng thời là cổ đông sở hữu tới 44% vốn doanh nghiệp bảo hiểm LPI Capital, doanh nghiệp bảo hiểm có tiếng tại quốc gia này.
Đặc biệt, 2 vị trí giàu nhất Đông Nam Á năm nay đã thuộc về hai anh em tỷ phú người Indonesia, ông Robert Budi Hartono và Michael Hartono với khối tài sản ròng lần lượt 18,6 tỷ USD và 18,5 tỷ USD.
Hai vị tỷ phú này chính là 2 anh em ruột thuộc gia tộc giàu bậc nhất xứ sở vạn đảo - Hartono. Cả 2 vị doanh nhân này đều làm giàu từ thuốc lá, hiện tập đoàn của gia tộc này vẫn là một trong những nhà sản xuất thuốc lá đinh hương lớn nhất Indonesia.
Theo thống kê từ Forbes, hai vị tỷ phú này nhận được hơn 1/3 tài sản từ khoản đầu tư vào Ngân hàng Trung Á (BCA). The Hartonos, tập đoàn của gia tộc này đã mua lại phần lớn cổ phần của Ngân hàng Trung Á từ tay của một gia tộc giàu có khác là Samins trong cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997-1998.
Ngoài ra, 2 vị tỷ phú này còn nắm giữ thương hiệu điện tử nổi tiếng Polytron, hàng loạt bất động sản đắc địa tại Jakarta, thủ đô của Indonesia và có phần lớn cổ phần trong công ty start up về game - Razer.
Nếu so sánh với những tỷ phú giàu nhất của 6 quốc gia Đông Nam Á, ông Vượng chỉ xếp thứ 5, trên tỷ phú Manuel Villar người Philippines với khối tài sản ròng 5,5 tỷ USD.
Trong khi đó, 4 tỷ phú USD giàu nhất các quốc gia còn lại đều sở hữu khối tài sản ròng trên 10 tỷ USD.