Ngày pháp luật

Tỷ phú Ursula Burns: Bản lĩnh của người phụ nữ da màu lớn lên từ khu ổ chuột

Hoài Thu

Nữ tỷ phú Ursula Burns đang là chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty dịch vụ kỹ thuật Xerox. Bà còn được Tạp chí Forbes đánh giá như là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng thứ 14 trên thế giới.

Xerox - một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ chuyên bán các giải pháp tài liệu, dịch vụ và các sản phẩm công nghệ. Và Ursula Burns, từng là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Xerox được biết đến là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo một công ty trong danh sách Fortune 500. 

Lớn lên trong trại tị nạn

Bà Ursula Burns lớn lên trong các trại tị nạn ở Lower East Side, bang Manhattan, Mỹ nơi các khu phố bị chiếm đóng bởi các băng nhóm đường phố, là tụ điểm của các băng nhóm tội phạm.Cha của bà là người Panama nhập cư, mẹ là người Mỹ. Ursula Burns là con thứ hai trong số ba người con và sống với người mẹ đơn thân. 

Để nuôi sống cả gia đình và có tiền cho bà theo học tại trường Trung học Cathedral, một trường dự bị của Công giáo La Mã, mẹ bà đã mở một nhà trẻ và cửa hàng giặt là. 

Nữ tỷ phú Ursula Burns.
Nữ tỷ phú Ursula Burns.

Khi nhớ về nơi mình từng sống thời thơ ấu, Ursula Burns chia sẻ, “luôn có nhiều người ngủ dưới gầm cầu thang, có cả những người nghiện ma túy… Ngoài hành lang thường nặng mùi nước tiểu… Đó dĩ nhiên không phải là nơi ở an toàn”. 

Mặc dù vậy, bà lại luôn cho rằng một phần thành công của mình đến từ việc sống trong khu nhà ở ít tiện nghi nhưng được tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng giá rẻ và một nền giáo dục tốt.

Mẹ của Ursula là người luôn truyền cảm hứng tư duy tích cực và tinh thần lạc quan cho bà ngay cả khi nghèo khó nhất.

“Nơi sinh ra sẽ không thể kết luận bạn là ai, do đó cách duy nhất để thoát khỏi cảnh đói nghèo chỉ có giáo dục tốt”, Ursula Burns bày tỏ. 

Sau khi học xong trung học, nhờ học giỏi toán, Ursula Burns lấy bằng cử nhân kỹ thuật cơ khí tại Học viện Bách khoa của Đại học New York ở Brooklyn. Tiếp đó, bà bắt đầu theo học bằng thạc sĩ kỹ thuật cơ khí tại Đại học Columbia. 

Ursula Burns được Tạp chí Forbes đánh giá là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng thứ 14 trên thế giới. 
Ursula Burns được Tạp chí Forbes đánh giá là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng thứ 14 trên thế giới. 

Sau đó, bà còn được nhận được thêm rất nhiều bằng đại học danh dự từ các trường như: Đại học New York, Đại học Pennsylvania, Đại học Howard, Đại học Rochester, Đại học Xavier, Đại học Georgetown… 

Có thể nói, mẹ bà chính là người dạy bà cách thoát khỏi nghèo đói là phải được giáo dục tốt và bà đã cố gắng và nỗ lực cho Ursula đi học Đại học Newyork và lấy được bằng kỹ sư cơ khí. Với sự nỗ lực không ngừng, sau khi lấy được bằng bà được nhận vào thực tập cho công ty quản lý dữ liệu Xerox.

Bản lĩnh làm nên tất cả 

Năm 1980, Ursula Burns bắt đầu sự nghiệp tại Xerox với vai trò là một thực tập sinh và sau đó trở thành kỹ sư tại đây với mức lương khởi điểm hơn 29.000 USD/năm sau khi tốt nghiệp. Nhờ can đảm lên tiếng đưa ra quan điểm mà Ursula Burns từ một nhân viên bình thường lại có cơ hội trở thành Chủ tịch của Xerox. 

Theo đó, vào năm 1989, khi bà tham dự một cuộc họp của công ty về vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một đồng nghiệp của bà đã hỏi nhà điều hành về lý do tại sao Xerox lại tập trung quá nhiều vào sự đa dạng.

“Anh ta không nói thẳng ra từ 'người da màu', anh ta hỏi rằng 'Tại sao chúng ta lại thuê quá nhiều dạng nhân viên và cả phụ nữ khác biệt này vào trong công ty?'", Ursula Burns kể.

Vì không hài lòng, bà Ursula Burns lúc ấy đã đứng trước mặt toàn thể nhân sự có mặt trong cuộc họp, khiển trách giám đốc vì đã thiếu đam mê và nguyên tắc làm việc. Sự phản bác nghiêm túc của Burns đã gây ra tình trạng căng thẳng cho cả đôi bên. 

Chỉ sau khi cuộc họp kết thúc, Burns mới biết người điều hành cuộc họp hôm ấy chính là Wayland Hicks – một Phó chủ tịch điều hành vào thời điểm đó. “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ bị sa thải. Và mức lương 29.000 USD sẽ 'cuốn theo chiều gió'”, Ursula Burns nhớ lại.

Sự thật là, Hicks đã khiển trách Burns vì có thái độ không phù hợp và nói với bà rằng “Luôn có cách hay hơn để nói rằng mình không tán đồng ý kiến của người khác”. Sau buổi “khiển trách”, hai người còn đối thoại với nhau thêm nhiều lần trong một số cuộc họp nữa.

Tỷ phú Ursula Burns: Bản lĩnh của người phụ nữ da màu lớn lên từ khu ổ chuột - Ảnh 1

Năm 1990, Wayland Hicks hỏi Ursula Burns có muốn đảm nhiệm vai trò trợ lý điều hành hay không? Thêm một lần thứ hai, Burns lại cảm thấy bị Hicks làm cho thất vọng. “Anh nghiêm túc đó chứ?”, bà hỏi lại vì nhìn thấy viễn cảnh phải chuyển sang một công việc không tương xứng với trình độ chuyên môn của mình.

Hicks phải giải thích rằng, công việc này không đơn thuần như vai trò của một thư ký, ông sẽ giới thiệu bà với dàn lãnh đạo cấp cao và bà sẽ có cơ hội được tiếp cận thực tế cách mà các nhà điều hành vận hành doanh nghiệp. 

Lúc đó Burns mới nhận công việc mà bà mô tả là “vai trò quan trọng nhất mình từng nắm giữ”. Đây chính là cơ hội và là bàn đạp để bà phát triển sự nghiệp sau này.

Cứ như thế, Ursula Burns liên tục được thăng tiến vào giữa những năm 1990 và 2000, trở thành chủ tịch của Xerox năm 2007. Năm 2009, Ursula Burns được bổ nhiệm làm CEO. Đến tháng 5/2010, bà kiêm cả vai trò Chủ tịch Công ty. Ursula Burns góp công lớn mang về hơn 50% trong số 22,4 tỷ USD doanh thu trong năm 2012 đến từ các dịch vụ công nghệ thông tin. 

Sự nghiệp của Burns cho thấy sức mạnh của lòng trung thành, giá trị của việc thăng tiến trong một công ty và bằng chứng của một người làm việc chăm chỉ. 34 năm sau, Ursula Burns đã là nữ chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty.

Ursula Burns không chỉ nắm giữ quyền lực trong ngành công nghiệp công nghệ cao, mà còn được Forbes đánh giá như là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng thứ 14 trên thế giới. 

Nữ tỷ phú Ursula Burns là một trong 5 nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng được CNNMoney chọn phỏng vấn để thực hiện chương trình “Giấc mơ Mỹ: New York”. Sự nghiệp, tài năng và trải nghiệm sống khác nhau nhưng cả 5 “công dân New York tiêu biểu” này đều có điểm chung là niềm đam mê duy trì và phát triển nhân tài cho các thế hệ mai sau.

Ngoài Ursula Burns, 4 nhân vật còn lại được CNNMoney chọn là Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Mickey Drexler – CEO J. Crew, Howard Schultz – CEO Starbucks và huyền thoại hip-hop Russell Simmons. Mỗi người trong số này đều đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công thậm chí vượt xa niềm mong đợi lớn nhất của chính họ. 

Bản thân là Giám đốc điều hành của Xerox, bà được biết đến là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo một công ty trong danh sách Fortune 500. Năm 2014, Tạp chí Forbes xếp bà ở vị trí 22 trong danh sách những người phụ nữ mạnh mẽ nhất thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục