Sam Bankman-Fried hiện đang là một trong những người đứng đầu ngành tài chính Mỹ. Anh đã hai lần được điều trần trước Quốc hội Mỹ kể từ tháng 12/2021, gặp gỡ nhiều người nổi tiếng như Jeff Bezos, Leonardo DiCaprio, người đứng đầu ngân hàng Goldman Sachs David M. Solomon, huyền thoại bóng rổ Shaquille O'Neal hay ngôi sao nhạc pop Katy Perry. Thế nhưng đằng sau quyền lực và khối tài sản khổng lồ, lối sống và cách tiêu tiền của Bankman-Fried lại khiến nhiều người bất ngờ.
Khởi nghiệp nhờ phát hiện chênh lệch giá giữa các sàn tiền điện tử
Ngành công nghiệp tiền điện tử bị nhiều cá nhân chỉ trích vì các thương vụ lừa đảo, lượng phát thải cao,... Bankman-Fried đang cố gắng thay đổi những định kiến này khi đưa FTX phát triển theo hướng trung thực, hiệu quả đồng thời mua tín dụng carbon để bù đắp lượng khí thải.
FTX hiện là sàn giao dịch tiền số lớn thứ 3 theo khối lượng với 15 tỷ USD giao dịch mỗi ngày. Bankman-Fried xác định Mỹ là thị trường phát triển chính cho FTX - thách thức sự thống trị của Coinbase.
“Lý tưởng tôi theo đuổi là đưa FTX trở thành nguồn giao dịch tài chính lớn nhất trên thế giới”, Sam Bankman-Fried nói.
Năm 2017, khi tiền điện tử bước vào giai đoạn bùng nổ đầu tiên, giá bitcoin đã tăng gấp 10 lần và nhà đầu tư đổ gần 5 tỷ USD vào hàng trăm đợt "chào bán tiền điện tử ban đầu" (ICO). Thời điểm đó, Bankman-Fried nhận ra có sự chênh lệch giá của tiền điện tử trên các sàn giao dịch ở các nước khác nhau.
Chẳng hạn như ở Nhật Bản, bitcoin được giao dịch với giá cao hơn 10% so với Mỹ. Như vậy về lý thuyết, một người có thể thu về 10% lợi nhuận bằng cách mua bitcoin trên một sàn Mỹ và gửi tiền ảo về sàn Nhật Bản để bán. Với tốc độ đó, chỉ trong vòng 4 tháng, 10.000 USD sẽ biến thành 1 tỷ USD.
Nhận thấy cơ hội kinh doanh, Bankman-Fried đã tuyển một vài người bạn để thành lập công ty. Nhiều người khi đó đang làm việc cho các công ty lớn như Google, Jane Street hay Facebook.
Bankman-Fried đặt tên công ty là Alameda Research, mở thêm một công ty con ở Nhật và thuê một đại diện người địa phương để tiện giao dịch. Kể từ đó, mỗi ngày với Bankman-Fried đều là một cuộc đua. Nếu công ty không chuyển tiền ra khỏi Nhật Bản trước khi chi nhánh đóng cửa, họ sẽ mất 10% lợi nhuận trong ngày hôm đó. Vào thời kỳ đỉnh cao, Alameda đã gửi đi gửi lại 15 triệu USD mỗi ngày và tạo ra lợi nhuận 1,5 triệu USD.
Tái đầu tư vào tiền điện tử
Sau khi kiếm được hàng triệu USD từ khai thác chênh lệch giá, Bankman-Fried và đồng nghiệp quyết định tái đầu tư lợi nhuận để xây dựng một sàn giao dịch tiền điện tử của riêng mình.
Đội ngũ của Bankman-Fried mất 4 tháng để tự viết mã cho nền tảng giao dịch mới và mở cửa vào tháng 5/2019. FTX phục vụ cho các nhà giao dịch lớn, cung cấp hàng chục đồng tiền số khác nhau và thậm chí còn cung cấp dịch vụ đặt cược vào các cuộc bầu cử hoặc giá cổ phiếu.
Cũng giống như Alameda Research, FTX thành công vang dội. Chỉ sau 2 tháng ra mắt, sàn đạt khối lượng giao dịch hàng ngày 300 triệu USD và tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2020. Theo Bankman-Fried, FTX đạt doanh thu 1,1 tỷ USD trong năm ngoái, với 350 triệu USD lợi nhuận.
Người theo chủ nghĩa từ thiện hiệu quả
Năm năm trước, Bankman-Fried lần đầu tiên biết đến ý tưởng mới về từ thiện gọi là "lòng vị tha hiệu quả", sử dụng lý luận khoa học để tìm ra cách tối ưu hóa lợi ích cho hầu hết mọi người.
Kể từ đó, Bankman-Fried quyết định anh sẽ kiếm thật nhiều tiền để cho đi. Giờ đây, anh là một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản hơn 20 tỷ USD, trong khi FTX được định giá tổng hợp 40 tỷ USD.
Bất chấp sự giàu có của mình, Bankman-Fried khẳng định triết lý cốt lõi của anh vẫn không thay đổi. Anh vẫn sẽ giữ đủ tiền để duy trì cuộc sống thoải mái - tương đương 1% thu nhập hoặc tối thiểu 100.000 USD/năm. Ngoài ra, vị tỷ phú 30 tuổi có kế hoạch cho đi hầu hết tài sản.
Bankman-Fried được ví như một Robin Hood trong thế giới tiền điện tử khi đánh bại những "cá mập" trong thế giới tài chính và rồi dành tiền cho người nghèo.
Nhà sáng lập FTX cho biết anh đã quyên góp 50 triệu USD trong năm 2021, bao gồm cứu trợ đại dịch ở Ấn Độ và tài trợ cho các sáng kiến chống nóng lên toàn cầu. Anh đặt mục tiêu quyên góp ít nhất vài trăm triệu đến 1 tỷ USD trong năm nay.
Giống như nhiều tỷ phú theo thuyết "vị tha hiệu quả", Bankman-Fried rất quan tâm đến những mối đe dọa có thể dẫn đến sự diệt vong của nhân loại, dù nhiều thứ nghe có vẻ như trong tiểu thuyết như trí thông minh nhân tạo "làm phản", chiến tranh vũ trụ,... Anh tin rằng những thay đổi nhỏ ở hiện tại có thể cứu giúp hàng nghìn tỷ người trong tương lai.
Ở thời điểm hiện tại, Sam Bankman-Fried đặt ưu tiên cao nhất là giúp thế giới chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo sau Covid-19. Anh đã tài trợ 5 triệu USD cho ProPublica - một nhóm báo chí điều tra phi lợi nhuận để đưa tin về chủ đề này.
"Nhà sư tư bản"
Bankman-Fried cho biết có tới 5 đồng nghiệp của anh cũng là tỷ phú và tất cả đều tầm tuổi anh. Đồng nghiệp của Bankman-Fried mô tả về anh như một "nhà sư" trong thế giới tư bản. Anh làm việc chăm chỉ đến mức không có thời gian yêu đương và coi giấc ngủ là một thứ xa xỉ không cần thiết.
Matt Nass, một đồng nghiệp và là người bạn thời thơ ấu với Bankman-Fried chia sẻ: "Mỗi phút ngủ tiêu tốn của Sam hàng nghìn USD, điều đó có nghĩa là cậu ấy cứu được ít người hơn".
Bankman-Fried sống ở thủ đô Bahamas Nassau, nơi FTX đang có kế hoạch xây dựng trụ sở cho 1.000 nhân viên. Dù là chủ một doanh nghiệp hàng chục tỷ USD, Bankman-Fried sống như một sinh viên đại học luôn luôn trong cuộc chạy đua cho cuộc thi cuối kỳ.
Anh chỉ lái một chiếc Toyota Corolla và ở trong một căn hộ với khoảng 10 bạn cùng phòng. Tất nhiên đây là một căn penthouse tại khu nghỉ dưỡng đẹp nhất trên đảo. Thế nhưng về tổng thể, Bankman-Fried không phải là người thích mua sắm.
"Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy tiêu tiền không thật sự hiệu quả trong việc giúp bản thân hạnh phúc hơn. Tôi không muốn có một chiếc du thuyền hay thứ gì đó tương tự vậy".
Dù thường sống tiết kiệm, Bankman-Fried vẫn sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD để quảng bá cho tên tuổi bản thân cũng như cho tập đoàn FTX. Anh từng đề nghị chi 135 triệu USD trong 19 năm để đặt tên công ty (hoặc tên anh) cho sân vận động Miami Heat hay 30 triệu USD để phát sóng quảng cáo FTX tại Super Bowl.