Đến với kinh doanh như một mối duyên
Chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến: Chuyện khởi nghiệp kinh doanh lần đầu kể của tiền đạo Anh Đức và hoa hậu Trần Thị Quỳnh, "lão tướng" của đội tuyển Việt Nam đã tiết lộ những điều bất ngờ về công việc "bên ngoài sân cỏ" của mình.
Cầu thủ Anh Đức bắt đầu kinh doanh từ cuối năm 2008, khi anh đang bị chấn thương, phải sang Singapore để chữa trị. Được một người chú tư vấn rằng, "tại sao mình làm thể thao mà lại không kinh doanh về ngành này", Anh Đức quyết định khởi nghiệp với số tiền do bản thân tích lũy.
Sẵn có một mặt bằng ở trước sân vận động, đúng lúc người chị thứ 3 lập gia đình ở Quảng Ngãi về quê sinh sống, Anh Đức quyết định mở ra một cửa hàng thể thao cũng xem như là tạo chỗ làm việc cho người chị của mình. Với Anh Đức, việc kinh doanh đã đến tự nhiên cũng như một mối duyên vậy.
Với kinh doanh, anh chỉ có quan niệm là tận dụng sử dụng hết mọi nguồn lực có thể để đem lại kết quả tốt nhất. Ban đầu, cũng như bao người khác, Anh Đức gặp rất nhiều khó khăn từ việc quản lý nguyên liệu tính giá thành đến kế hoạch sử dụng vốn, thử nghiệm sản phẩm, bao bì... Tất cả mọi thứ đến dồn dập trong thời gian đầu khiến anh khá lúng túng nhưng sau đó cũng đã công việc cũng dần ổn định được nhờ sự cố gắng của anh em trong công ty.
"Điều tôi tâm đắc nhất trong kinh doanh là về thương hiệu"
Khởi nghiệp với mảng thể thao, Anh Đức cho rằng, vị trí là một cầu thủ cũng giúp ích cho việc quảng bá thương hiệu, khiến người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm. Anh cho rằng, khi bán hàng mà có sự hiểu biết sâu về sản phẩm sẽ khiến khách hàng yên tâm hơn về chất lượng và uy tín.
Sau nhiều năm kinh doanh, điều mà anh tâm đắc nhất là về thương hiệu. "Mình làm cái gì để ổn định lâu dài thì phải có thương hiệu, thương hiệu không phải đến từ cái tên Anh Đức mà đến từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự uy tín", tiền đạo Anh Đức chia sẻ.
Việc là cầu thủ chuyên nghiệp, đã được dùng đồ thể thao chuyên nghiệp giúp cho Anh Đức nhìn và cảm nhận mặt hàng nào là tốt, mẫu mã nào tốt, biết được nhu cầu hiện tại khách hàng cần gì để mình ra các chiến lược cần thiết cho sản xuất và phân phối đồ thể thao. Bản thân là dân thể thao chuyên nghiệp cũng rất gần gũi với các hãng thể thao lớn như Nike, Adidas... nên anh có hiểu biết và đánh giá những kiểu dáng, mẫu mã nào phù hợp với người dân Việt Nam. Điều này cũng thuận lợi cho việc kinh doanh.
"Ý tưởng kinh doanh đồ thể thao và đặc biệt là giày Anh Đức bắt nguồn từ lúc tôi tập luyện. Thời điểm đó không hiện đại như bây giờ, giày dành cho cầu thủ đá bóng khi ấy chất lượng chưa cao, vẫn dễ khiến cầu thủ bị chấn thương. Vì thế, tôi mới cố gắng đầu tư sản xuất một số mặt hàng để hạn chế chấn thương cho mọi người hơn, cũng có chất lượng tốt hơn. Lúc đó tôi cũng chưa có khái niệm gì về đá bóng để quảng cáo đâu", Anh Đức chia sẻ.
Cho tới nay, dù kinh doanh ở nhiều lĩnh vực những Anh Đức vẫn yêu thích lĩnh vực thể thao nhất vì nó liên quan tới niềm đam mê, là bản năng của bản thân và cũng là lĩnh vực mà anh đã gắn bó lâu nhất cho đến hiện tại.