Tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, người sáng lập tập đoàn SoftBank đã ra mắt quỹ Vision thứ hai để tìm cách mở rộng đế chế của mình với tư cách là nhà đầu tư công nghệ có ảnh hưởng nhất thế giới.
Ngày 26/7, SoftBank cho biết tập đoàn sẽ cam kết 38 tỷ USD cho quỹ Vision 2 với mục tiêu huy động tổng cộng 108 tỷ USD. Apple, Microsoft, quỹ tài sản của Kazakhstan và một số công ty tài chính khác của Nhật dự kiến sẽ là những đơn vị góp vốn cho quỹ đầu tư mới của Masayoshi Son. Nếu việc gọi vốn đạt được mục tiêu đó, nó sẽ vượt qua giá trị "khủng" 100 tỷ USD của quỹ Vision đầu tiên của vị tỷ phú "liều ăn nhiều".
Son muốn tạo ra một quỹ đầu tư khổng lồ mới cứ sau mỗi hai hoặc ba năm để tận dụng cơ hội mà ông nhìn thấy trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và xe tự lái.
Tháng trước, SoftBank tiết lộ rằng quỹ Vision đầu tiên đã kiếm được 62% lợi nhuận cho đến nay sau khi thực hiện 71 khoản đầu tư với tổng số tiền là 64,2 tỷ USD. Mặc dù vậy, một số công ty trong danh mục đầu tư của Vision như Uber hay Slack (đều đã IPO) sẽ cần mất một thời gian nữa trước khi tạo ra lợi nhuận.
Daisuke Sawatake, người phát ngôn của SoftBank cho biết Quỹ đầu tư công cộng của Ả Rập Saudi và Công ty đầu tư Mubadala, hai đối tác quan trọng của quỹ Vision đầu tiên không có tên trong danh sách những nhà đầu tư vào quỹ Vision thứ hai. Tuy nhiên, các bên vẫn đang trong quá trình thảo luận về những khoản đầu tư tiềm năng. Tính đến thời điểm hiện tại, trong số các nhà đầu tư vào quỹ Vision đầu tiên, mới chỉ có Apple và tập đoàn công nghệ Foxconn có kế hoạch rót tiền cho quỹ đầu tư thứ hai của Son.
Ngoài ra, SoftBank đã nhận được biên bản ghi nhớ từ nhiều công ty tài chính Nhật Bản như Mizuho Financial Group Inc., Sumitomo Mitsui Financial Group Inc., Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., Dai-ichi Life Holdings Inc., Sumitomo Mitsui Trust Holdings Inc., Daiwa Securities Group Inc., và SMBC Nikko Securities Inc. Biên bản này là thỏa thuận không ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai hay nhiều bên, ghi nhận những điều khoản và chi tiết về kết quả đàm phán giữa các bên. Những người tham gia khác sẽ bao gồm Standard Chartered Plc và một nhà đầu tư giấu tên của Đài Loan.
Quỹ Vision đầu tiên ra mắt vào tháng 10/2016 và Ả Rập Saudi là một trong những nhà đầu tư chủ chốt với khoản tiền lên tới 45 tỷ USD. SoftBank đóng góp 28 tỷ USD trong khi Mubadala đầu tư 15 tỷ USD. Qualcomm và Sharp cũng là hai đơn vị tham gia đầu tư.
Với quỹ Vision đầu tiên, Ả Rập Saudi hoạt động như một sự ràng buộc với quyền lực của Son nhưng dường như tỷ phú 61 tuổi sẽ đóng vai trò lãnh đạo nhiều hơn tại quỹ Vision thứ hai.
Sau nhiều thập kỷ xây dựng đế chế viễn thông của mình, Son cuối cùng cũng có nhiều thời gian hơn để tập trung đầu tư. Ông đã bàn giao việc quản lý các hoạt động viễn thông nội địa hàng ngày của SoftBank – bộ phận hái ra tiền của tập đoàn, cho Ken Miyauchi.
Một câu hỏi khác đặt ra liên quan đến quỹ Vision thứ hai là liệu SoftBank có duy trì được tốc độ và quy mô đầu tư của quỹ ban đầu hay không. Quỹ Vision đầu tiên nhắm mục tiêu cổ phần trị giá hơn 100 triệu USD, chỉ trong hai năm đã tích lũy danh mục đầu tư của 82 công ty công nghệ hàng đầu thế giới bao gồm Uber và WeWWork. Gọi xe là phân khúc lớn nhất của quỹ Vision với cổ phần tại hãng Didi Chuxing của Trung Quốc, Ola của Ấn Độ và Grab của Singapore.
Theo dữ liệu từ nhà nghiên cứu thị trường CB Insights, SoftBank là nhà đầu tư vào 24 trong số 377 startup kỳ lân (những công ty được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) trên thế giới.