Những ngày đầu tháng 10, tỷ giá trung tâm USD/VND do Ngân hàng Nhà nước công bố liên tục có biến động, nhất là ngày 8/10, mỗi đôla Mỹ tăng lên 22.721 đồng. Đây là mức cao nhất của tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay, tăng 1,41% so với cuối năm ngoái.
Cùng với đó, giá USD trong các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh. Nhiều nhà băng niêm yết giá mua bán quanh 23.315 - 23.395 đồng. Thậm chí, có ngân hàng nâng giá bán USD tiền mặt lên mức cao hơn khi bán ra 23.400 đồng một USD.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng được giao dịch ở mức 23.440 đồng mua vào, 23.490 đồng bán ra, tăng khoảng 20 đồng mỗi USD so với những phiên liền trước.
|
Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú. |
Tuy nhiên, hai ngày gần đây, tỷ giá trung tâm hạ nhiệt. Đến chiều 11/10, mỗi USD được bán ra ở mức 22.719 đồng, giảm 2 đồng so với mức cao trước đó. Sáng nay thì giá quay lại mốc 22.721 đồng. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được phép giao dịch là 23.402 đồng và tỷ giá sàn là 22.039 đồng. Các ngân hàng thương mại theo đó cũng đồng loạt giảm giá USD từ 10-20 đồng, về quanh 23.300-23.380 đồng.
Tuy có những biến động nhất định, nhưng nhìn nhận về xu hướng từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng tỷ giá sẽ ổn định. Theo đó, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành của VinaCapital cho rằng, khi đồng nhân dân tệ mất giá, phần nào sẽ gây áp lực cho tiền đồng, nhưng may là dự trữ ngoại hối của Việt Nam hơn 62 tỷ USD - đủ lớn để ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm. "Trường hợp tiền đồng mất giá bao nhiêu là do Nhà nước muốn phá giá để hỗ trợ xuất khẩu hay không mà thôi", ông nhìn nhận.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ tại Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng phân tích, tỷ giá USD/VND thời gian qua nếu so với khu vực thì khá ổn định. Từ đầu năm đến giờ tiền đồng mới mất giá tầm 2,6%, trong khi các đồng tiền khác trong khu vực, nhất là đồng rupiah của Indonesia giảm tới 10%.
Theo ông Khoa, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ khiến đồng nhân dân tệ - CNY mất giá khá mạnh so với USD (từ tháng 4 đến nay mất khoảng 8%). Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt Việt Nam lại nhập siêu từ nước này, nên khi đồng CNY mất giá tất yếu có ảnh hưởng nhất định đến tiền đồng.
"Nhưng với cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay của Ngân hàng Nhà nước đã có sự tính toán dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có rổ tiền tệ, đồng CNY cũng như các yếu tố vĩ mô nên thời gian tới VND sẽ không có nhiều biến động", ông nói và cho biết, hiện thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng khá tốt. Khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ một triệu hay một trăm triệu USD thì ngân hàng vẫn đáp ứng bình thường.
Ngoài ra, từ đầu năm tới nay, ông Khoa cho rằng Việt Nam thặng dư thương mại hơn 6 tỷ USD, nguồn tiền giải ngân FDI hơn 13,5 tỷ USD... là những yếu tố hỗ trợ lớn cho tỷ giá USD/VND ổn định thời gian tới.
Tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài bổ sung thêm, áp lực trả nợ ngoại tệ những tháng cuối năm nay cũng không còn lớn vì đối tượng vay USD hiện khá hạn chế. Song song đó, tiến trình cổ phần hóa các công ty Nhà nước đang được Việt Nam đẩy mạnh và nếu từ nay đến cuối năm, nhiều thương vụ bán vốn cho nước ngoài thành công thì nguồn USD vào Việt Nam sẽ dồi dào hơn.
Về triển vọng thời gian tới, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động quanh 23.400 đồng vào cuối năm 2018. Nhà băng này dự đoán tiền đồng mất giá nhẹ trong đầu năm sau trước khi tăng giá so với đồng USD vào cuối năm 2019 nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực ở cả trong lẫn ngoài nước. Cụ thể, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.400 đồng vào cuối 2018, giảm về 23.300 đồng vào cuối 2019 và mức 22.700 đồng vào cuối năm 2020.