Ngày pháp luật

Tuyệt vọng vì sắp phá sản, ông chủ FedEx vét 5000 USD cuối cùng của công ty làm một “canh bạc cuộc đời”

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Khi vốn của FedEx giảm xuống 5000 USD, Frederick Smith đã không thể trả tiền nhiên liệu. Công ty lúc này gặp vô vàn khó khăn: phi công phải trả tiền nhiên liệu bằng thẻ tín dụng cá nhân, nợ tiền lương của nhân viên. Trong lúc đó, Smith lại dồn hết 5000 USD cuối cùng của công ty… đến Las Vegas.

FedEx là công ty chuyển hàng xuyên đêm đầu tiên trên thế giới, vận chuyển hơn 1,2 tỉ gói hàng mỗi năm tại hơn 220 quốc gia. Tuy nhiên, trong những ngày đầu thành lập, ông chủ Frederick Smith đã tuyệt vọng đến nỗi phải nhờ một canh bạc theo đúng nghĩa đen tại Las Vegas nhằm cứu công ty.

Khi đang học chuyên ngành về kinh tế ở đại học Yale năm 1962, Smith đã viết một bài báo về xu hướng tự động hóa xã hội. Lúc đó, người ta thường chuyển các kiện hàng lớn bằng xe tải hoặc máy bay dân dụng, nhưng Smith nghĩ rằng việc chuyển các món hàng nhỏ, thiết yếu bằng máy bay sẽ tiện hơn.

Smith viết bài báo này trong tâm thế vội vàng ngay trước hạn nộp. Vậy nên khi được hỏi về nó, ông thừa nhận có lẽ nó đã nhận được điểm C. Tuy nhiên, bài náo này chính là “xương sống” của công ty FedEx sau này.

Tuyệt vọng vì sắp phá sản, ông chủ FedEx vét 5000 USD cuối cùng của công ty làm một “canh bạc cuộc đời” - Ảnh 1

 Federal Express sau đổi tên thành FedEx

Năm 1971, Smith khởi nghiệp với 4 triệu USD từ thừa kế và 80 triệu USD từ việc vay vốn, đầu tư cổ phần. Lúc này FedEx có 8 máy bay, giao hàng trong 35 thành phố và có kế hoạch mở rộng kinh doanh mỗi tháng.

Nhưng trong 2 năm đầu, do chi phí nhiên liệu tăng cao, công ty đã phải gánh khoản nợ hàng chục triệu USD và đứng trước nguy cơ phá sản. Tệ hơn nữa, Smith đã đề nghị tập đoàn General Dynamics cấp vốn nhưng bị từ chối thẳng thừng.

Khi vốn của FedEx giảm xuống chỉ còn 5000 USD, Smith đã không còn đủ khả năng trả tiền nhiên liệu. Công ty lúc này gặp vô vàn khó khăn: phi công phải trả tiền nhiên liệu bằng thẻ tín dụng cá nhân, nợ tiền lương của nhân viên,…

Tuyệt vọng vì sắp phá sản, ông chủ FedEx vét 5000 USD cuối cùng của công ty làm một “canh bạc cuộc đời” - Ảnh 2

 

Trong giờ phút đó, Smith đánh liều cầm hết 5000 USD cuối cùng của công ty đi đến Las Vegas, ngồi vào bàn blackjack và cược hết những đồng tiền này. May mắn thay, số tiền 5000 USD sau đó đã trở thành 27000 USD, đủ để duy trì hoạt động của công ty trong một tuần tiếp theo.

Trong quyển “Thay đổi cách thế giới kinh doanh: Câu chuyện bên trong hành trình thành công đáng kinh ngạc của FedEx”, cựu phó chủ tịch điều hành cấp cao Roger Frock của FedEx đã mô tả lại cảnh tượng khi ông biết Smith đã làm gì: “Tôi nói rằng ‘Cậu mang 5000 USD cuối cùng của chúng ta đi đánh cược ư? Sao cậu dám?’. Smith nhún vai và nói ‘Có khác gì đâu? Không có tiền thì chúng ta cũng đâu thể mua nhiên liệu mà bay được”.

Tuyệt vọng vì sắp phá sản, ông chủ FedEx vét 5000 USD cuối cùng của công ty làm một “canh bạc cuộc đời” - Ảnh 3

 Phó chủ tịch hỏi ông chủ FedEx: "Cậu mang 5000 USD cuối cùng của chúng ta đi đánh cược ư? Sao cậu dám?"

27000 USD không thể giải quyết hết các vấn đề của công ty, nhưng Smith cho rằng đây là một dấu hiệu tốt. Ông đã dùng số tiền này làm động lực để xin thêm tài trợ, cuối cùng huy động thêm được 11 triệu USD. Sau khi ổn định tài chính, Smith khởi động chiến dịch quảng bá qua thư để thúc đẩy tiềm năng phát triển. Đến năm 1976, FedEx có được khoản lãi đầu tiên 3,6 triệu USD. Vài năm sau, công ty cất cánh và trở thành một đế chế giao hàng đến ngày nay, giúp tài sản ròng của nhà sáng lập kiêm CEO Frederick Smith đạt 3,6 tỷ USD (theo Forbes 2019).

Có thể bạn chưa biết, FedEx không phải là công ty duy nhất đánh liều "đỏ đen" để gây quỹ. Bill Gross, nhà sáng lập ngân hàng PIMCO cũng "mượn" sòng bạc để làm dày lên các khoản đầu tư của mình. Dĩ nhiên không phải ai cũng may mắn như các trường hợp FedEx hay PIMCO đúng không, thôi thì chăm chỉ cày cuốc đi các bạn nhé.

Tin Cùng Chuyên Mục