Mở màn phần thuyết trình, Hải Bình cho hay mỗi một năm Việt Nam đang thải ra 20 triệu tấn rác. Chỉ 10% trong số đó được thu hồi và tái chế, 90% số rác còn lại đang đi vào bãi chôn lấp hoặc ở đâu đó ngoài môi trường tự nhiên như sông ngòi, kênh rạch, hệ thống thoát nước… Việt Nam hiện đứng thứ 4 về xả thải rác nhựa ra biển nhưng 80% nhà máy tái chế nhựa tại Việt Nam lại đang nhập khẩu rác nhựa để vận hành sản xuất.
Nhà sáng lập Revival Waste nhấn mạnh: “Phần lớn người Việt nghĩ loại rác ve chai thu mua là rác tái chế, còn lại là rác không tái chế được. Nhưng sự thật ve chai chỉ gom được 10% rác thải sinh hoạt. Trong 90% còn lại có một 1 lượng cực kì lớn rác có thể tái chế. Chúng tôi gọi đó là “rác chết” và mục tiêu của chúng tôi là hồi sinh “rác chết” đó lại”.
Revival Waste chuyên nghiên cứu từng chủng loại rác, đưa ra phương thức xử lý và phân loại phù hợp sau đó xây dựng một kế hoạch khả thi cho các doanh nghiệp khác tham gia vào. Doanh thu của Revival Waste đến từ tiền bán rác, chi phí tư vấn, các doanh nghiệp khi tham gia vào dự án. Hiện Revival Waste đang thu gom rác từ các nguồn là trường học và một số chương trình phối hợp với các địa phương.
Đề cập đến vấn đề tài chính, nhà sáng lập Revival Waste cho biết doanh nghiệp mới được thành lập từ tháng 11/2018 với doanh thu đạt 125 triệu đồng, công ty đang lỗ khoảng 700 triệu đồng. Lý giải con số lỗ khá cao của Revival Waste, Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là doanh nghiệp xã hội”.
Không đồng tình với quan điểm của startup, Shark Hưng chia sẻ: “Doanh nghiệp xã hội không hoàn toàn phải phi lợi nhuận, vẫn có thể có lợi nhuận chỉ có điều các bạn sử dụng nó như thế nào. Vì nếu anh đi kêu gọi vốn từ nhà đầu tư thì chắc chắn họ sẽ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, việc thu hồi vốn”.
Đánh giá các phương án xử lý rác của Revival Waste chưa đủ sức thuyết phục, các Shark Dzung Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thủy, Phạm Thanh Hưng lần lượt lắc đầu từ chối.
Shark Hưng và các "cá mập" từ chối đầu tư vì dự án chưa thuyết phục.
Đứng trước nguy cơ phải ra về tay trắng, Hải Bình cung cấp thêm thông tin đến các nhà đầu tư rằng số vốn của Revival Waste đang bảo toàn. Mới hoạt động chỉ trong 6 tháng nhưng dự án đã lan tỏa đến 18 quận, huyện và 9 tỉnh thành trên cả nước.
Nhà sáng lập Revival Waste bày tỏ tham vọng: “Từ bây giờ đến năm 2030 chúng tôi sẽ làm sao để định giá cho rác 0 đồng trong mắt người dân trở nên giá trị. Số tiền rất nhỏ nhưng chúng tôi sẽ tạo ra một hiệu ứng rất lớn”.
Giữ vững quan điểm startup đang đi sai hướng, Shark Nguyễn Thanh Việt kiên quyết "lắc đầu" từ chối đầu tư. Quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Quỹ môi trường xanh Việt Nam, Shark Đỗ Liên đưa ra cho startup lời đề nghị 1 tỷ đồng đổi lấy 50% cổ phần của Revival Waste.
Shark Đỗ Liên chia sẻ: “Nghe bạn nói, tôi rất hiểu các hoạt động kinh doanh của bạn. Đương nhiên đang lỗ rồi, bản thân các công ty quản lý rác của nhà nước cũng đang lỗ nhưng tôi thích mục đích bạn đang hướng đến là làm sạch cho cộng đồng. Đây là ý tưởng rất hay. Bạn đang có định hướng rất tốt, tôi vào sẽ giúp bạn rất nhiều thứ. Tôi không mong muốn được chia lợi nhuận. Nếu được chia tôi sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận đó quay ngược lại giúp cho cộng đồng".
Tuy nhiên, Madam Liên Đỗ tỏ ra hứng thú với dự án vì cộng đồng và quyết định đầu tư 1 tỷ đồng cho 49% cổ phần.
Theo "cá mập" U60 thì muốn xử lý triệt để thì phải đánh vào ý thức của từng người dân. Khi vứt rác ra khỏi nhà thì phải biết phân loại ngay từ trong nhà.
Mạnh dạn bày tỏ mục đích đến Shark Tank để đi tìm người đồng hành, nhà sáng lập của Revival Waste đề nghị thương lượng ở mức 1 tỷ đồng đầu tư cho 49% cổ phần. Con số này nhanh chóng được nhà đầu tư gật đầu đồng ý. “Tôi đầu tư vào bạn! Bạn sẽ là người dẫn dắt, điều hành công ty. Tôi chỉ là “bà đỡ” cho bạn, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm”, Shark Liên nói.