Muôn kiểu trang trí biển kiểm soát
Trong những ngày gần đây, nhiều người khá bất ngờ khi thấy có khá nhiều phương tiện che hoặc dán hình trên biển số của phương tiện khi tham gia giao thông. Từ những chiếc xe “ôm” công nghệ che biển số bằng khẩu trang hoặc bằng một mảnh giấy hay vật dụng nào đó. Cho đến những chiếc xế hộp, biển số được dán một hình “mặt cười” nhằm che đi 1 hoặc 2 con số của biển số.
Thậm chí, một số chủ phương tiện còn dùng băng keo màu đen dán vào biển kiểm soát để thay đổi con số in trên biển hoặc làm mòn các chữ số trên biển. Hoặc chủ phương tiện hay lái xe cố tình làm mòn vẹt một hoặc hai chữ số trên biển số…
Việc che, dán biển số có lẽ xuất hiện nhiều nhất ở những chiếc xe chạy xe “ôm” công nghệ. Không quá khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe “ôm” công nghệ với biển số được che kín, làm mờ vi vu trên đường, len lỏi qua các con phố ở các đô thị lớn. Đáng nói, không ít tài xế chạy những chiếc xe che biển số này vi phạm luật giao thông như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn…
Lái xe ôm công nghệ cố tình che biển số xe bằng khẩu trang
Anh N.T.A, một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ xe Grab chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi khá bất ngờ khi thấy có khá nhiều xe chạy dịch vụ Grab bị che biển, trong khi đặt xe trên ứng dụng thì hệ thống vẫn thông báo biển số xe. Điều đáng nói là thái độ phục vụ thì rất “tồi”, thường xuyên đi nhanh, lạng lách thậm chí còn vượt cả đèn đỏ”.
Không chỉ phổ biến đối với xe máy, tình trạng các xe ô tô che 1 hay 2 con số trong biển kiểm soát phương tiện cũng khá nhiều. Hay như gần đây, xuất hiện thêm trào lưu “độ” biển số xe theo phong cách châu Âu hoặc chủ phương tiện “trang trí” biển kiểm soát bằng các ký hiệu khác nhau cho hợp “thẩm mỹ”.
Điển hình nhất là các xe “độ” biển số bằng cách in thêm các hình quốc kỳ của một số nước như: Việt Nam, Nhật, Anh… thường xuyên xuất hiện trên các con phố trong thời gian gần đây.
Né luật?
Theo lý giải của một tài xế chạy Grabbike lâu năm: "Một số tài xế che biển số thường mặc quần áo không đúng với đồng phục của Grab nên che biển số để tránh việc bị công ty phát hiện”.
Một số ý kiến khác cho rằng chủ phương tiện ô tô che 1 số của biển kiểm soát có thể để tránh bị phạt nguội. Theo các tài xế, đối với một số lỗi như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi vào làn BRT vào ban đêm… nếu bị phạt “nguội” thì mức xử phạt là rất nặng, số tiền có thể lên tới vài triệu đồng, thậm chí là tước giấy phép lái xe. Nhưng với lỗi che biển số chỉ bị phạt vài trăm nghìn đồng do vậy tài xế chọn cách che biển số.
Trao đổi với PV, đại diện Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cho biết, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước, trường hợp người điều khiển xe gắn máy, xe máy điện gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng sẽ bị phạt từ 80-100 nghìn đồng, còn hiện nay theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46, vừa có hiệu lực ngày 1/1/2020 thì mức phạt tăng lên từ 100-200 nghìn đồng theo Mục b Khoản 1 Điều 17.
Biển số của một chiếc xe được "độ"
Còn với trường hợp người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo Mục c Khoản 3 Điều 16 Nghị định 100.
Vị này cũng cho biết thêm: “Những trường hợp xe mô tô, ô tô tham gia giao thông không gắn biển kiểm soát hoặc biển kiểm soát bị che lấp, che mờ sẽ gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi truy tìm, điều tra, giải quyết các vụ TNGT, khó khăn nữa là các camera sẽ không zoom và không quan sát được biển kiểm soát để tiến hành xử phạt nguội. Tới đây, chúng tôi có thể sẽ tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng CSGT có các biện pháp xử lý mạnh hơn với các trường hợp này để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên thành phố”.
Được biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng có quy định buộc phải thực hiện đúng quy định về biển số như một biện pháp khắc phục hậu quả.
Biển số xe là công cụ quản lý nhà nước
Biển số xe hay còn gọi là biển kiểm soát xe cơ giới là một tấm biển, trên đó in cả chữ và con số được gắn trên mỗi phương tiện do cơ quan công an cấp khi xe được mua mới hoặc chuyển nhượng xe.
Điểm đặc biệt biển số xe là có hình quốc huy Việt Nam. Việc cấp biển số xe giúp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý được phương tiện tại địa phương mình và nắm được danh tính của cá nhân hay tổ chức đã mua nó. Hiện tại biển số xe chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý phương tiện giao thông, không được coi là tài sản.
Còn tại Khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Nghiêm cấm sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Như vậy, có thể hiểu rằng chủ phương tiện không được phép bán biển số của phương tiện mà họ được cấp. Nếu đã không thể mua, bán biển số xe thì biển số xe không có giá, không phải là tài sản.
Thêm vào đó, Luật Giao thông đường bộ, các văn bản dưới luật như Thông tư số 15/2015/TT-BCA; Thông tư số 54/2015/TT-BCA; Thông tư số 64/2017/TT-BCA của Bộ Công an về đăng ký xe, biển số xe cũng quy định rất cụ thể về trình tự cấp, thu hồi và đăng ký biển số xe cơ giới. Với các quy định hiện hành, biển số bắt buộc gắn liền với xe.
Do biển số xe là công cụ để Nhà nước quản lý, nên việc chỉnh sửa, thay đổi hiện trạng của biển số xe là hành vi không được phép làm. Tuy nhiên, việc xử lý các tài xế, chủ phương tiện về hành vi “độ” biển kiểm soát để phục vụ “thẩm mỹ” lại đang khá khó khăn. Bởi hiện nay chưa có một quy phạm pháp luật nào, một chế tài nào thực sự rõ rệt nêu việc xử lý hành vi này.