Ông Johnathan Hạnh Nguyễn vừa ngỏ ý muốn được đầu tư vào hạ tầng hàng không. Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương – IPP – do ông làm Chủ tịch HĐQT mới đây đã có công văn gửi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đề nghị được cùng TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là lần thứ hai trong 1 năm trở lại đây, ông Johnathan bày tỏ nguyện vọng.
Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng rất hăng hái với việc đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Bên cạnh tập trung cho chuyến bay đầu tiên, dự kiến sẽ cất cánh nửa cuối năm nay, hạ tầng hàng không cũng rất được chú trọng.
Hồi tháng 4/2018, Tập đoàn FLC đã gửi công văn tới Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình với mong muốn được tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế theo hình thức BOT. Doanh nghiệp này muốn nâng công suất dự kiến từ 500 nghìn lượt hành khách thành 10 triệu lượt vào năm 2020. Tỉnh Quảng Bình sau đó đã có công văn đồng ý chủ trương để FLC đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Một trong những điển hình cho xu hướng này là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Với vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, sân bay này do Sun Group làm chủ đầu tư trở thành sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Sungroup được quyền trực tiếp vận hành, khai thác sân bay Vân Đồn, tuy nhiên, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại đây vẫn do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy định pháp luật. Sân bay Vân Đồn sẽ được khai thác bắt đầu tư ngày mai, 25/12.
"Chúng tôi nhìn nhận thấy xu hướng tư nhân hóa trong đầu tư hạ tầng", báo cáo mới nhất của VCBS nhận định. Theo VCBS, xu hướng này một mặt làm giảm áp lực với ngân sách nhà nước, cải thiện chất lượng dịch vụ, một mặt tạo ra tín hiệu kém khả quan với các doanh nghiệp có thị phần lớn trong ngành khi thị trường trở nên phân mảnh.
Hạ tầng hàng không chưa bắt kịp sự phát triển của ngành
VCBS cũng đánh giá rằng hạ tầng hàng không đang có sự đuối sức. Tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm trong giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm cho giai đoạn 2020 – 2030; sản lượng vận chuyển hành khách vào năm 2020 và 2030 lần lượt là 64 triệu và 131 triệu khách, theo dự báo của Bộ GTVT.
Trong khi đó, năm 2018 chứng kiến 5 cảng Hàng không lớn nhất của Việt Nam là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc đều đã phục vụ số lượt khách vượt công suất thiết kế. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt 40,7%.
"Mặc dù những cải tiến về mặt công nghệ, quy trình phần nào đáp ứng được lượng hành khách tăng thêm mỗi năm, việc mở rộng, nâng cấp các cảng Hàng không này vẫn là yêu cầu tất yếu", VCBS nhấn mạnh.
ACV cho biết giai đoạn 2018-2025, sẽ có 15 cảng Hàng không trọng điểm được đầu tư nâng cấp cũng như xây dựng cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và xây dựng mới các nhà ga hành khách cảng Hàng không Điện Biên, Nà Sản, Lào Cai.
Dự kiến, tổng mức đầu tư các dự án nhà ga, sân đỗ (không tính sân bay Long Thành) lên tới hơn 56,7 nghìn tỷ đồng bằng vốn tích lũy từ hoạt động kinh doanh của ACV. Ngoài ra, cần hơn 20,7 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các dự án trong khu bay bằng nguồn vốn tích lũy từ hoạt động kinh doanh khu bay.
Trong các dự án kể trên, ưu tiên đầu tư sẽ thuộc về Tân Sơn Nhất với nhu cầu cấp thiết hiện tại.