Ngày pháp luật

Từ sự lụi tàn của những đế chế điện thoại di động đến hồi chuông cảnh báo giới công nghệ về một tương lai "không dễ dàng"

Thu Hằng

LG, BlackBerry hay Nokia đều là những thương hiệu từng thống trị thị trường smartphone trong một thời gian dài. Nhưng đều đã phải dừng chân trong cuộc đua khốc liệt, nhường chỗ cho những ngôi sao mới.

Mới đây, hãng thông tấn Dong-A Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, LG Electronics Inc. sẽ đi đến quyết định đóng cửa LG Mobile, mảng kinh doanh di động từng là "con cưng" của hãng. Thông tin cho hay, đây là kết quả thất bại sau nỗ lực tìm kiếm đối tác cho mảng sản xuất này. Trước đó, LG đã có thương vụ đàm phán với Volkswagen và VinGroup nhưng đều bất thành do mức đề nghị của đối tác thấp hơn mức giá mong muốn của công ty công nghệ Hàn Quốc.

Thua lỗ liên tiếp, LG có thể sẽ đóng cửa mảng kinh doanh di động trong năm 2021
Thua lỗ liên tiếp, LG có thể sẽ đóng cửa mảng kinh doanh di động trong năm 2021

Mặc dù di động LG từng đứng trong top 5 thị trường bên cạnh những tên tuổi lớn như Samsung, Apple hay Huawei và các nhà lãnh đạo hãng cũng từng áp dụng nhiều chiến lược để xoay chuyển tình hình kinh doanh nhưng dường như tất cả đều đi vào ngõ cụt. Những cái tên LG Optimus G, Nexus 4, Chocolate ra mắt, làm mưa làm gió trên thị trường di động cũng như nhận được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế nhưng giờ đây, tất cả đều "mất tích" trên thị trường. 

Các báo cáo ghi nhận, LG Mobile đã thua lỗ trong 23 quý liên tiếp và đánh mất 4,5 tỷ USD trong 5 năm hoạt động vừa qua. Một con số buộc LG Electronics Inc. phải từ bỏ "đứa con cưng" một thời này. 

Hàng loạt ông lớn “ngã ngựa”

Buộc phải đóng cửa mảng di động không phải là câu chuyện riêng của LG. Trong những năm gần đây, hàng loạt các tên tuổi từng làm mưa làm gió những năm đầu thập niên 2000 như Pantech, Essential, Sony Ericsson, BlackBerry, Nokia... cũng đều ần lượt rời khỏi “chảo lửa” kinh doanh di động.

Những chiếc điện thoại Nokia huyền thoại một thời
Những chiếc điện thoại Nokia huyền thoại một thời

Thế hệ 7x, 8x chắc hẳn chưa thể quên những cái tên huyền thoại như Lumia 1020, XpessMusic 5300 hay N70 từng tạo nên "cơn sốt" trong giới công nghệ như thế nào. Hay như BlackBerry cũng làm mưa làm gió khi tiên phong trong lĩnh vực điện thoại thông minh, tạo ra hệ điều hành riêng BlackBerry OS và bàn phím Qwerty vật lý độc nhất vô nhị. 

Những năm đầu của thế kỷ 21, chiếc điện thoại "dâu đen" từng được coi là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực. Từ chính trị gia, tỷ phú, doanh nhân đến các ngôi sao nổi tiếng, hầu hết đều sở hữu ít nhất một chiếc BlackBerry bên mình.

BlackBerry từng là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực
BlackBerry từng là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực

Những tên tuổi khác như Pantech, Essential hay Sony Ericsson cũng từng có chỗ đứng riêng, không hề thua kém trong ngành di động đều đã phải dừng chân trong cuộc đua khốc liệt, nhường chỗ cho những thương hiệu mới.

Vì đâu nên nỗi?

Cùng là những công ty về công nghệ, đặc biệt có kinh nghiệm và tuổi đời hơn nhiều, tại sao tên tuổi mới ngày càng mạnh lên còn Nokia, BlackBerry hay LG thì lụi tàn?

Rõ ràng là không công bằng khi nói họ thiếu sự đổi mới. LG những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực trong việc ra mắt sản phẩm mới có tính sáng tạo. Tiêu biểu phải kể đến như dòng G5 ra mắt năm 2016 với thiết kế cải tiến dành cho game thủ, LG Velvet và LG Wing ra mắt năm 2020 với cấu hình khủng hay chiếc smartphone màn hình cuộn độc đáo dự kiến tung ra trong năm 2021.

Hình ảnh về chiếc LG Rollable màn hình cuộn dự định ra mắt cuối năm 2021
Hình ảnh về chiếc LG Rollable màn hình cuộn dự định ra mắt cuối năm 2021

Hay như BlackBerry cũng nỗ lực để thay đổi qua thương vụ hợp tác với TCL vào năm 2016. Công ty Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm phát triển, thiết kế và bán điện thoại thông minh thương hiệu BlackBerry, trong khi hãng sẽ cung cấp dịch vụ bảo mật và phần mềm hỗ trợ. Ngay sau đó, bộ đôi đã nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm đầu tiên là DTEK60 sau đó đến KEYone. 

Tuy nhiên những nỗ lực này của LG và BlackBerry dường như đều không mang lại kết quả khả quan. Những thiết kế mới của LG bị đánh giá là mờ nhạt thiếu điểm nhấn và đi ngược với nhu cầu thực tế của người dùng. Còn sản phẩm của BlackBerry thì bị người hâm mộ cho rằng đã đánh mất “chất" vốn có. 

Một lý do nữa khiến người dùng quay lưng với những tên tuổi lớn một thời đó là sự chậm nhịp về công nghệ. Những chiếc điện thoại của Nokia, BlackBerry hay LG dường như vẫn không theo kịp và bị đánh giá kém trong việc thích ứng với các ứng dụng và phần mềm mới. 

BlackBerry bị người hâm mộ cho rằng đánh mất “chất" vốn có
BlackBerry bị người hâm mộ cho rằng đánh mất “chất" vốn có

Khi miếng bánh thị phần ngày càng ít, sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn, các thương hiệu không đáp ứng được nhu cầu thị trường sẽ nhanh chóng bị loại bỏ như một quy luật tất yếu. Những ngôi sao một thời dần biến mất khỏi bản đồ smartphone thế giới.

Miếng bánh ngon chỉ dành cho kẻ thức thời

Thống kê mới nhất từ Gartner - công ty nghiên cứu công nghệ hàng đầu của Mỹ - cho thấy 5 thương hiệu smartphone thống trị thị trường điện thoại di động thế giới năm 2020 lần lượt là Samsung, Apple, Huawei, Xiaomi và OPPO. 

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tổng sản lượng ngành này trong năm 2020 chỉ đạt 1,25 tỷ chiếc, giảm 11% so với năm 2019. Trong đó, 5 ông lớn kể trên chiếm khoảng 71 % thị phần. Samsung bán ra tổng cộng 253.025.000 chiếc điện thoại trong năm 2020. Trong khi đó, Apple là 199.847.300 chiếc, Huawei 182.610.200, Xiaomi 145.802.700 và OPPO 111.785.200 chiếc. TrendForce dự báo sản lượng điện thoại thông minh sẽ đạt 1.36 tỷ chiếc vào năm 2021.

Thị trường điện thoại thông minh vẫn được coi là miếng bánh béo bở đem lại lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với tính cạnh tranh khốc liệt khi các nhà sản xuất buộc phải chen nhau để giành thị phần.

Apple đang là một trong những thương hiệu smartphone thống trị thị trường điện thoại di động thế giới hiện nay
Apple đang là một trong những thương hiệu smartphone thống trị thị trường điện thoại di động thế giới hiện nay

Công nghệ thay đổi từng giờ, để có thể đứng vững trong thị trường biến động liên tục này, các hãng buộc phải thức thời và quan trọng nhất là phải tự biết cách đổi mới chính mình. Đó cũng chính là bài học đến từ Steve Jobs, người thuyền trưởng huyền thoại của Apple.

Trước iPhone, nguồn sống quan trọng nhất của Apple là iPod, sản phẩm thống trị thị trường máy nghe nhạc những năm 2000. Nhưng Steve Jobs sẵn sàng thay đổi, thậm chí "khai tử" chính đứa con cưng của mình để đưa iPhone lên ngôi. 

Những bài toán mà Apple phải giải quyết khi phát triển iPhone vô cùng mới mẻ - chip di động, màn hình cảm ứng nhưng Apple sẵn sàng đương đầu với thử thách khó nhằn ấy. Nhờ thế, Apple vươn lên thành người tiên phong và nhanh chóng chiếm luôn phần lớn lợi nhuận của cả ngành công nghiệp di động.

Một trong những tấm gương cho sự thức thời của ngành di động phải kể đến Samsung. Thương hiệu này giới thiệu chiếc điện thoại đầu tiên của mình vào năm 1988. Trải qua hơn 30 năm phát triển, những chiếc điện thoại Samsung vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho đến tận ngày nay. 

Samsung có chiến lược phát triển sản phẩm rất rõ ràng, ra mắt rất nhiều sản phẩm ở mọi mức giá, mọi phân khúc. Chỉ cần thích điện thoại Samsung, tùy vào tầm tiền, ngay lập tức người dùng có thể dễ dàng chọn được chiếc máy ưng ý. Tất nhiên hãng nào cũng đa dạng sản phẩm nhưng để có smartphone ở mọi phân khúc giá từ 2 triệu đến 20 triệu như Samsung thì đến giờ gần như chưa ông lớn nào có thể đạt được hiệu quả như vậy.

Bài học trong thế giới kinh doanh điện thoại di động cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ông lớn của ngành công nghệ, nơi mà sự biến động và phát triển của thị trường tính theo từng giờ, từng phút. Ở đó, những chiến lược gia tài ba phải là người có đủ sự liều lĩnh của Apple, đủ tinh tế như Samsung, đủ mánh khoé như Oppo hay Huawei. "Chiến trường công nghệ" là nơi mà bất cứ ông lớn nào cũng có thể ngã ngựa vào ngày mai hoặc sẽ phải sẵn sàng trả một cái giá rất đắt để vươn lên một tầm cao mới. Thế nhưng, để sống sót và làm chủ con sóng của thời đại hay bước chân vào thế giới của những tỷ phú USD, chẳng có cái giá nào là quá đắt cả. 

Tin Cùng Chuyên Mục