Ngày pháp luật

Từ nhà sản xuất pin đến ngôi vương xe điện: BYD báo lãi kỷ lục nhờ chiến lược giá rẻ và công nghệ không phụ phí

Hải Anh

Giữa làn sóng cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường xe điện toàn cầu, BYD – hãng xe điện lớn nhất thế giới – tiếp tục khẳng định vị thế khi công bố lợi nhuận quý IV/2024 tăng vọt 73,1% lên 2,1 tỷ USD.

Từ nhà sản xuất pin đến ngôi vương xe điện: BYD báo lãi kỷ lục nhờ chiến lược giá rẻ và công nghệ không phụ phí

Hãng xe Trung Quốc BYD vừa khiến giới đầu tư ngạc nhiên khi báo cáo mức lợi nhuận ròng kỷ lục trong quý cuối cùng của năm 2024, đạt 14 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD). Đồng thời, doanh thu quý IV tăng mạnh 52,7% lên gần 275 tỷ nhân dân tệ, giúp cổ phiếu BYD trên sàn Hong Kong tăng 51% từ đầu năm và đạt đỉnh mới 400 nhân dân tệ/cổ phiếu (55 USD) vào tuần trước.

Tính cả năm 2024, lợi nhuận ròng của BYD tăng 34% lên mức 40,3 tỷ nhân dân tệ, trong khi doanh thu tăng 29%. Đây là cột mốc cao chưa từng có, củng cố hình ảnh một hãng xe “tăng tốc cả về công nghệ lẫn tài chính”.

Điểm đặc biệt trong đà tăng trưởng thần tốc này không đến từ các mẫu xe hạng sang mà chủ yếu dựa vào các dòng xe giá rẻ – yếu tố giúp BYD vượt Volkswagen về doanh số tại Trung Quốc, bán ra 4,25 triệu xe trong năm qua và giành lấy ngôi đầu ngay tại thị trường nội địa. Chiến lược giá thấp kết hợp với sản lượng cao tiếp tục là vũ khí mạnh nhất giúp hãng duy trì lợi thế trước các đối thủ lớn.

Không chỉ chơi cuộc chơi về giá, BYD còn đẩy mạnh khai thác công nghệ để giữ vững phong độ. Họ vừa giới thiệu công nghệ sạc siêu tốc mới cho xe điện, đồng thời thông báo sẽ tích hợp hệ thống lái thông minh trên hầu hết các dòng xe mà không thu thêm phí. Đây là đòn cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ vẫn coi phần mềm là dịch vụ tính phí gia tăng.

Mảng xe và các sản phẩm liên quan hiện đóng góp gần 80% doanh thu hoạt động của BYD, với biên lợi nhuận tăng lên 22,3% – nhỉnh hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm trước. Điều này phản ánh hiệu quả vận hành và tối ưu chuỗi cung ứng của BYD trong bối cảnh thị trường đầy biến động.

Ở tầm chiến lược dài hạn, BYD đang mở rộng mạnh ra toàn cầu. Đầu tháng 3, công ty đã huy động 5,59 tỷ USD thông qua đợt phát hành cổ phiếu mới – số tiền này sẽ được sử dụng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và mở rộng quốc tế. Trong năm 2023, doanh số xuất khẩu của hãng tăng gần 72%, chiếm khoảng 10% tổng lượng xe bán ra. BYD cũng đang cân nhắc xây dựng nhà máy tại châu Âu, tạo bàn đạp cạnh tranh trực tiếp trên sân nhà của nhiều thương hiệu xe truyền thống.

Ra đời năm 1995 dưới bàn tay của Wang Chuanfu – một kỹ sư hóa học từng sản xuất pin, BYD dần lấn sân sang sản xuất xe xăng năm 2005 và xe điện năm 2010. Hơn hai thập kỷ sau, từ một nhà sản xuất phụ tùng và pin ít người biết đến, hãng đã trở thành biểu tượng tăng trưởng của ngành xe điện Trung Quốc và thế giới.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục