Bộ Y tế cho biết, Bộ đang chuẩn bị triển khai việc đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sẽ có nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế và chính các bệnh viện, vì vậy, ngành y tế cần phải làm ngay.
Từ 1/7, triển khai đặt lịch khám chữa bệnh ngoại trú online, cơ sở y tế mới được thanh toán BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, với hệ thống này, người dân chỉ cần nhập số sổ BHYT vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý sổ BHYT đó, khi đó bệnh nhân sẽ được hẹn giờ đến khám, khám bác sĩ nào và phòng bệnh nào…
Đây là hệ thống toàn tuyến, và sẽ giải quyết được tình trạng hiện nay là hệ thống bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó.
Khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện thì tất cả hồ sơ sức khoẻ của bệnh nhân (đã đăng ký) có trong phần mềm này, bao gồm lịch sử khám chữa bệnh, thậm chí kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc đã có trước đó.
“Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khoẻ này là dùng chung cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Thậm chí khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị...”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng lưu ý, với những cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống mới đang xây dựng này được cung cấp miễn phí tới các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả dữ liệu do Bộ Y tế quản lý.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH, từ 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống này để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
“Quy định hơi mạnh nhưng với ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế chúng ta phải mạnh và quyết liệt mới triệt để được. Nếu tiếp tục để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ. Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung thì việc áp dụng trí tuệ nhân (AI) và big data (dữ liệu lớn) sẽ thuận lợi hơn, đáp ứng được tiến trình chuyển đổi sổ trong lĩnh vực y tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại diện nhiều bệnh viện tuyến trung ương đều đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến đang được xây dựng.
PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương, cho rằng, nếu hệ thống mới được triển khai, vừa giải quyết tình trạng “cò bệnh viện”, bớt thủ tục hành chính thủ công, giảm thời gian chờ đợi giám định bảo hiểm.
Đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến không phải là vấn đề mới, nhiều bệnh viện đã, đang triển khai hệ thống này. Tuy nhiên, các bệnh viện đang làm hiện nay còn khá “manh mún”, tỷ lệ người đăng ký còn thấp.
Ngay như Bệnh viện đại học Y dược TP HCM, được cho là thành công nhất thì cũng mới có gần 30% số lượng người bệnh đến khám, điều trị hằng ngày là đã đặt lịch trước.
Theo lãnh đạo các bệnh viện và chuyên gia công nghệ thì còn nhiều việc phải làm, từ giải pháp kỹ thuật (vừa thuận tiện, dễ sử dụng vừa bảo mật được thông tin) đến truyền thông giúp người dân hiểu và thực hiện.
Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho rằng, thời gian đầu, hệ thống nên triển khai đặt lịch khám qua điện thoại, tin nhắn trước (gửi số thẻ BHYT qua tin nhắn trong trường hợp người bệnh không có điện thoại thông minh).
Còn GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, cho rằng, triển khai ở bệnh nhân ngoại trú trước, nội trú sau, tiếp theo sẽ triển khai thanh toán các chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt.
Bộ Y tế sẽ lựa chọn một số địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh để thí điểm trước hệ thống này, sau đó sẽ đánh giá cụ thể trước khi nhân rộng triển khai toàn quốc.
Link bài gốc