Hôm nay, Tập đoàn Vingroup gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Điều đó có nghĩa là dự án Vinpearl Air của tập đoàn Vingroup cũng sẽ dừng lại.
Lý do xin rút của tập đoàn Vingroup được đưa ra đó là do họ nhận thấy đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội. Trong khi đó, Vingroup lại đang cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp.
Điều này cũng giúp ta hiểu hơn rằng, lĩnh vực hàng không không hề "ngon ăn" như mọi người vẫn tưởng, thay vào đó, lĩnh vực cực kén người chơi và đòi hỏi nguồn tài chính dồi dào.
Trước Vinpearl Air, cũng có khá nhiều hãng hàng không đã bị delay vô thời hạn, không cất cánh được trên bầu trời Việt Nam. Đó là...
1. Hãng hàng không AirAsia
AirAsia là hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á. Mặc dù đã thâm nhập thành công nhiều thị trường như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… thế nhưng dường như AirAsia "vô duyên" với việc mang thương hiệu vào Việt Nam khi có tới 4 lần thất bại.
Năm 2005, AirAsia của Malaysia thua Quantas của Australia trong cuộc chiến giành hãng hàng không có vốn nhà nước. Nay Quantas đã đổi tên thành Jetstar Pacific.
Năm 2007, AirAisa tiếp tục "toang" giấc mơ khi nhen nhóm thử sức liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Thế nhưng thời đó, Chính phủ không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng có vốn đầu tư nước ngoài.
Năm 2010, AirAsia đặt vấn đề liên doanh với Vietjet Air. Tuy nhiên hai bên không thể bắt tay hợp tác do vấp phải phản đối từ Vietnam Airlines.
Năm 2017, gã khổng lồ AirAsia một lần nữa kết thân liên doanh với Thiên Minh và Hải Âu. Tuy nhiên, các bên đã giải phóng hợp đồng vào tháng 4/2019. Giám đốc điều hành Tony Fernandes sau đó nói rằng hãng không còn bất cứ kế hoạch nào ở Việt Nam.
Lãnh đạo của AirAsia bật mí, họ đang xem xét nghiêm túc việc thành lập chi nhánh ở Campuchia, theo sau đó là Trung Quốc và Myanmar.
2. Hãng hàng không Trãi Thiên
Trai Thien Air Cargo là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện nhưng cũng “chết yểu” khi chưa kịp bay trên bầu trời.
Thành lập vào tháng 6/2008, Trãi Thiên được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nước từ tháng 10/2009 với vốn 500 tỷ đồng. Sau một năm cấp phép, hãng vẫn chưa chưa công bố kế hoạch sắm máy bay, lên lịch bay.
Đến cuối năm 2011, Cục Hàng không rút giấy phép kinh doanh của Trãi Thiên vì hãng không có bất cứ dấu hiệu gì về khả năng cất cánh.
3. Hãng hàng không Bầu trời xanh (Blue Sky)
Một hãng hàng không khác cũng được cấp phép hoạt động vào tháng 8/2010 là Hãng hàng không Bầu Trời Xanh (Blue Sky).
Hãng dự kiến khai thác các loại máy bay trực thăng, thủy phi cơ và tất cả các loại máy bay cánh bằng khác, khai thác hơn 20 tuyến du lịch trong nước. Thế nhưng kể từ khi ra mắt, hãng này không có thêm tình hình hoạt động nên cũng "chết yểu".
4. Hãng Indochina Airlines
Indochina Airlines được thành lập vào tháng 5/2008 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Hàng không Tăng Tốc, vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, hãng bay đổi tên thành Hàng không Đông Dương Indochina Airlines.
Indochina Airlines có chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/11/2008 với đội bay gồm 2 chiếc Boeing 737 đi thuê và chỉ bay nội địa.
Nhưng 1 năm sau, hãng tư nhân này gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Đến tháng 9/2009, hãng chỉ còn cầm cự với một chặng bay TP HCM - Hà Nội.
Thế nhưng vào năm 2011, cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn khi Indochina Airlines nợ tiền xăng đối tác, nợ lương nhân viên, phải xin ngừng cất cánh và biến mất trên bầu trời Việt.
5. Hãng hàng không Air Mekong
Là một hãng hàng không tư nhân, Air Mekong thành lập với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đại diện là Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group).
Hãng được cấp phép kinh doanh vào tháng 10/2008 và bay thương mại lần đầu vào tháng 10/2010. Sau hơn 2 năm hiện diện, Air Mekong có 4 tàu bay thương mại Bombardier CRJ 900 với 13 đường bay nội địa.
Vẫn là vấn đề kinh tế khó khăn khiến hoạt động của Air Mekong không hiệu quả. Đến tháng 2/2013, hãng chính thức ngừng bay và bị khai tử vào năm 2014.