Ngày pháp luật

Trung Thủy Group vừa bị Thanh tra Chính phủ ‘điểm tên’ vì có liên quan tới sai phạm tại hai khu đất vàng TP. Hồ Chí Minh

Trung Hiếu

Hai khu đất 428 và 430 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP. Hồ Chí Minh do Trung Thủy Lancaster - doanh nghiệp nhóm Trung Thủy Group hợp tác đầu tư vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Hình ảnh quảng cáo về dự án Landcaster Luminaire của Tập đoàn Trung Thuỷ.
Hình ảnh quảng cáo về dự án Landcaster Luminaire của Tập đoàn Trung Thuỷ.

 Loạt vi phạm bị chỉ tên

Thanh tra Chính phủ ngày 22/11 thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Thanh tra việc chuyển đổi đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở tại một số đơn vị doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT cho thấy có 12 lô đất, cơ sở nhà đất có sai phạm. Trong đó, không ít vi phạm liên quan đến Công ty Trung Thủy.

Cụ thể, đối với cơ sở đất 428 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ tại khu II số 428 Nguyễn Tất Thành (tên thương mại hiện nay Lancaster Lincoln) với CTCP Trung Thủy Lancaster chưa đảm bảo đúng trình tự, ký kết hợp đồng hợp tác trước thời điểm Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam có đầy đủ các quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai 2013.

Dự án đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán và ghi nhận tại Biên bản ngày 11/09/2017, trong đó có truy thu tăng giá trị quyền sử dụng đất do UBND TPHCM xác định là 233.7 triệu đồng và Tòa án Nhân dân TPHCM có Bản án vào năm 2018 (do Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận khởi kiện) buộc Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam có nghĩa vụ ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng khu đất có diện tích 2,165m2 tại địa chỉ 428 Nguyễn Tất Thành cho Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận.

Hiện dự án đang dừng triển khai thực hiện nhiều năm gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Đối với cơ sở đất 430 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM, UBND Thành phố giao cho Công ty Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 4 thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng 430 Nguyễn Tất Thành (tên thương mại hiện nay Lancaster Lincoln) diện tích 4,625m2. Hai công ty này chuyển nhượng dự án theo hình thức thoả thuận cho CTCP Trung Thủy Lancaster với giá trị 150 tỷ đồng, lớn hơn giá trị do đơn vị thẩm định giá lập theo giá thị trường là 18.8 tỷ đồng.

Tuy nhiên việc chuyển nhượng dự án 430 Nguyễn Tất Thành chưa được Công ty Dịch vụ Công ích Quận 4 tổ chức đấu giá theo quy định. Hiện dự án dừng triển khai thực hiện nhiều năm gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Dấu ấn của tập đoàn Trung Thủy và những lùm xùm liên quan đến các “siêu dự án”

Công ty Cổ phần Trung Thủy Lancaster tiền thân là Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster được đăng ký thành lập ngày 12/12/2013, trụ sở chính được đặt tại tầng 12, tòa nhà Miss Áo Dài, 21 Nguyễn Trung Ngạn, Phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Khi mới thành lập Trung Thủy Lancaster có vốn pháp định là 6 tỷ đồng, vốn điều lệ là 15 tỷ đồng bao gồm 2 thành viên góp vốn đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy (Trung Thủy Group) góp 12 tỷ đồng, tương đương sở hữu 80% vốn điều lệ của công ty; ông Nguyễn Trung Tín góp 3 tỷ đồng, tương đương 20% vốn.

Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Trung Thủy Lancaster là ông Nguyễn Văn Trung sinh năm 1960.

Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 23/1/2017, Trung Thủy Lancaster nâng vốn điều lệ lên mức 20 tỷ đồng, trong đó Trung Thủy Group góp vốn 17 tỷ đồng, tương đương 85% vốn điều lệ; ông Nguyễn Trung Tín góp 3 tỷ đồng, tương đương 15% vốn. Tuy nhiên, đến ngày 19/10/2018 công ty tiếp tục nâng vốn lên mức 380 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập không thay đổi.

Trong đó, Trung Thủy Group nâng giá trị vốn góp lên 323 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu vẫn giữ nguyên 85% vốn, ông Nguyễn Trung Tín cũng nâng giá trị vốn góp lên 57 tỷ đồng, tương đương sở hữu 15% vốn tại Trung Thủy Lancaster.

Tại ngày 24/7/2019, cơ cấu cổ đông của Trung Thủy Lancaster có sự thay đổi, Trung Thủy Group không còn là cổ đông lớn nhất tại công ty khi giá trị vốn góp giảm xuống còn 136,8 tỷ đồng, tương đương sở hữu 36% vốn điều lệ. Thay vị trí này của Trung Thủy Group là sự góp mặt của cổ đông mới ông Dương Quốc Tiến với giá trị vốn góp 186,2 tỷ đồng, tương đương 49% vốn. Ông Nguyễn Trung Tín vẫn giữ nguyên giá trị vốn góp của mình là 57 tỷ đồng, tương đương 15% vốn.

Tại ngày 1/6/2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Người đại diện theo pháp luật của Trung Thủy Lancaster là ông Nguyễn Văn Trung. Đồng thời, theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất ngày 21/6/2024 của Trung Thủy Group, ông Nguyễn Văn Trung đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Tín, cổ đông nắm giữ 15% vốn điều lệ của Trung Thủy Lancaster giữ chức vụ Tổng Giám đốc tại Trung Thủy Group.

Tập đoàn Trung Thủy (Trung Thủy Group) được thành lập vào năm 1985, hoạt động chính trong các lĩnh vực: Bất động sản, Nông nghiệp công nghệ cao, Dịch vụ thương mại, Nhà hàng – Khách sạn, Du lịch... Trong đó, bất động sản được xem là ngành mũi nhọn của công ty.

Theo giới thiệu, giai đoạn 1981 – 1985, bà Dương Thanh Thủy – người sáng lập Tập đoàn Trung Thủy, bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại đường Nguyễn Huệ (TPHCM). Đến năm 1993, bà Thủy khai trương cửa hàng mỹ nghệ tại số 5 Lê Văn Hưu.

Năm 1997, Miss Áo Dài - tiền thân của Tập đoàn Trung Thủy được thành lập. Lúc này, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vẫn là mảng chủ đạo của thương hiệu này.

Đến năm 2002, cùng với sự xuất hiện của pháp nhân Công ty TNHH Trung Thủy, doanh nghiệp do vợ chồng doanh nhân Dương Thanh Thủy – Nguyễn Văn Trung bắt lấn sân sang mảng bất động sản và nhanh chóng “thâu tóm” hàng loạt dự án ở vị trí đắc địa tại TPHCM và Hà Nội. Năm 2015, ông Nguyễn Trung Tín – con trai nữ doanh nhân Dương Thanh Thủy – được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy.

Các dự án nổi bật của Tập đoàn Trung Thủy có thể kể đến như tòa nhà Lancaster Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM); Lancaster Eden (TP. Thủ Đức, TPHCM), Lancaster Lincoln (quận 4, TPHCM); tòa nhà Lancaster Hà Nội (phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội), Nam Ô Heritage (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Cũng cần phải nhắc đến đến loạt thương vụ hợp tác giữa Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Tập đoàn Trung Thủy trong năm 2016 – thời điểm ông Lê Tấn Hùng làm Tổng giám đốc.

Theo đó, ngày 2/8/2016, Sagri đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Tập đoàn Trung Thủy để thành lập doanh nghiệp mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri để thực hiện dự án hợp tác đầu tư Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất có diện tích 650,04 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM.Công ty Nông nghiệp Trung Thủy SAGRI có vốn điều lệ 164 tỷ đồng. Trong đó SAGRI góp hơn 59 tỷ đồng, chiếm 36%; còn Trung Thủy góp 104,96 tỷ đồng, chiếm 64% vốn.

Sau khi các sai phạm tại Sagri bị phát lộ, cơ quan chức năng đã nêu rõ việc hợp tác đầu tư của Sagri và Tập đoàn Trung Thủy là không đúng quy định. Ngày 10/12/2018, UBND TPHCM cũng ban hành quyết định về việc thu hồi, hủy quyết định về chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện Dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Củ Chi của Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri.

Tại Hà Nội, Tập đoàn Trung Thủy cũng bắt tay với Viện Nghiên cứu Da giầy để xây dựng dự án The Lancaster Hà Nội (quận Ba Đình). Đây là khu cao ốc căn hộ dịch vụ thương mại và văn phòng, nhà ở cao cấp, cao 27 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 50.900m2, trong đó: tầng 1-3 là trung tâm thương mại, tầng 4-6 là văn phòng cho thuê, từ tầng 8-24 và 26-27 là căn hộ bán và cho thuê, được khởi công năm 2009 và đưa vào sử dụng vào năm 2013.

Bằng hình thức liên doanh, Trung Thủy Group và Viện Nghiên cứu da giầy đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Minh Khang. Hiện người đại diện pháp luật của Công ty Minh Khang là bà Dương Thanh Thủy.

Tập đoàn Trung Thủy cũng thông qua Công ty Cổ phần Tân Phú Long rót vốn vào dự án tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê tại khu đất số 1152 - 1154 đường Láng, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa với tên thương mại Lancaster Luminaire.

Một dự án bất động sản hạng sang khác của Tập đoàn Trung Thủy là Lancaster Legacy (quận 1, TPHCM) cũng từng bị chủ đầu tư cầm cố tại ngân hàng. Theo dữ liệu từ Cục đăng ký giao dịch đảm bảo, ngày 25/1/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản T.N.T Trung Thủy (chủ đầu tư dự án Lancaster Legacy) đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Quận 5.

Tài sản đảm bảo là “Quyền tài sản phát sinh từ Dự án Legacy (bao gồm nhưng không giới hạn tiền trên các tài khoản chuyên thu, chuyên chi của Dự án) tại số 230 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh của Bên thế chấp theo Quyết định số 6274/QĐ-UBND ngày 30/11/2017 về chấp thuận đầu tư dự án Khu phức hợp Thương mại – Dịch vụ - Văn phòng – Officetel – Căn hộ tại số 230 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Một dự án khác tại Đà Nẵng là Lancaster Nam Ô, tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Linh Chiểu, TP Đà Nẵng. Dự án được giới thiệu gồm khách sạn sang trọng, biệt thự ven biển và các dịch vụ giải trí thể thao trên biển.

Tuy nhiên, đầu năm 2018, dự án của Trung Thủy tại Đà Nẵng vướng lùm xùm khi bị dân phản ứng xây rào chắn, bịt lối xuống biển, xuống ghềnh đá Nam Ô. Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã phải chỉ đạo các sở ngành rà soát, xác định lại ranh giới giao đất dự án cho Tập đoàn Trung Thủy xây dựng Lancaster Nam Ô.

Cuối năm 2018, Đà Nẵng đã thông qua quy hoạch điều chỉnh dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô do Trung Thủy làm chủ đầu tư. Theo đó, ngoài việc Trung Thủy phải mở rộng đường dân sinh và lối xuống biển thì quy hoạch điều chỉnh cũng đưa ghềnh Nam Ô ra ngoài ranh giới dự án. Diện tích dự án bị thu hẹp còn lại khoảng 16 ha.

Việc điều chỉnh quy hoạch của Đà Nẵng tại dự án 5 sao này khiến Trung Thủy có phần không hài lòng. Thời điểm đó, đại diện Trung Thủy cho biết việc điều chỉnh vừa làm giảm diện tích, vừa gây khó khăn cho quá trình thực hiện, do bị chia cắt thành 2 phần riêng biệt. Doanh nghiệp cũng cho rằng việc không quản lí ghềnh Nam Ô có thể dẫn đến mĩ quan không cân đối, môi trường nhếch nhác trong một dự án 5 sao.

Tin Cùng Chuyên Mục