Ngày pháp luật

Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam): Nỗ lực nâng cao vị thế hàng Việt

Hương Giang

So với mặt hàng nhập khẩu, các sản phẩm giày da, ví, túi xách Việt Nam không hề thua kém về hình thức và chất lượng. Bằng bàn tay, khối óc, niềm đam mê và nỗ lực không biết mệt mỏi, các nghệ nhân của Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam) đã góp phần định hình, nâng cao vị thế của hàng Việt trên thị trường trong nước và thế giới.

Liên kết các chuỗi giá trị!

Đã qua rồi cái thời chỉ mong đủ cái ăn cái mặc, giờ đây người ta tiến tới ăn ngon, diện đẹp, bởi vậy doanh nghiệp (DN) nào không thay đổi phương thức sản xuất, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bị đào thải, ngành sản xuất da giày cũng không loại trừ.

Chứng kiến tiến trình ra đời và phát triển của các nhà sản xuất trong nước cũng thấy lắm gian truân. Theo các chuyên gia và nhà quản lý lĩnh vực da giày, tuy đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới cũng như nội địa nhưng các DN sản xuất da giày Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn và chưa thể cạnh tranh về giá so với các sản phẩm ngoại nhập vì bị động trong khâu nguyên liệu cũng như chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế về mẫu mã…

Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam): Nỗ lực nâng cao vị thế hàng Việt - Ảnh 1

Nhận thức được vấn đề này, các chuyên gia, nghệ nhân thiết kế da giày đã phối hợp với các DN liên kết sản xuất, cung ứng, giới thiệu sản phẩm nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, thậm chí vươn ra thế giới. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị mình, ông Nguyễn Văn Khương - Giám đốc Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam) cho hay: Trước nhu cầu của việc quảng bá, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam) đã ra đời. Từ vài ki ốt nho nhỏ sơ khai, Trung tâm tiến tới xây dựng, phát triển hơn chục cửa hàng chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc. Hiện, Trung tâm đang khảo sát thực địa và nghiên cứu để mở thêm các cơ sở khác tại TP.Hồ Chí Minh.

Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam): Nỗ lực nâng cao vị thế hàng Việt - Ảnh 2

Hoạt động của Trung tâm tập trung chủ yếu vào khâu thiết kế sản phẩm, làm mô hình nhỏ và vừa, sản xuất cho một số DN trong nước, đặc biệt là những đơn hàng phục vụ bán lẻ. Sau khi nghiên cứu, thiết kế, Trung tâm sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản phẩm cho các DN. Khi sản xuất xong, một số DN lại chuyển gửi sản phẩm về trưng bày tại các showroom, cửa hàng của Trung tâm. Thông qua đó, Trung tâm giúp các DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm của họ. Cùng với đó, Trung tâm cũng hỗ trợ tiêu thụ luôn các sản phẩm mà DN đã ký gửi, trưng bày, trong đó có những đơn vị uy tín, thương hiệu như: Công ty Harco; LADODA…

Nâng tầm hàng Việt!

Xác định các sản phẩm da giày Việt Nam chất lượng tốt nhưng hình thức chưa bắt mắt nên các nghệ nhân Trung tâm chú trọng hơn về mẫu mã. Để có những sản phẩm chất lượng, đáp ứng đúng tiêu chí, Trung tâm chỉ lựa chọn các DN uy tín, có đủ điều kiện để phối hợp và liên kết sản xuất, với tiêu chí chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, phải có nguyên liệu tốt, đảm bảo năng lực, kỹ xảo thì mới tạo nên những đôi giày vừa đẹp về hình thức, vừa tốt về chất lượng.

Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam): Nỗ lực nâng cao vị thế hàng Việt - Ảnh 3

Theo lãnh đạo Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm Nguyễn Văn Khương: Các sản phẩm Viện phối hợp sản xuất, trưng bày và giới thiệu sản phẩm có hệ thống bảo hành tốt nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm. Các sản phẩm trải dài từ trung bình, trung bình khá, cao cấp nhằm phục vụ nhu cầu của phân khúc trung và cao cấp. Khi mới tiếp nhận trụ sở Viện giao, lãnh đạo Trung tâm chỉ định trưng bày các sản phẩm giày công sở, nhưng khi khu trưng bày hoàn thiện, trước nhu cầu thực tế của khách hàng, ý tưởng xây dựng chuỗi sản phẩm dài hơn, quy mô hơn cũng xuất hiện, để nhiều lớp khách hàng hơn có thể mua và sử dụng. Không chỉ vợ chồng, mà một gia đình 4 - 5 người, hay 3 - 4

thế hệ cũng có thể được phục vụ đúng nhu cầu. Đối tượng phục vụ cũng đa dạng hơn, từ người trung bình, người có thu nhập cao đều có thể tiếp cận được, với mẫu mã đa dạng và chất lượng ngày càng đảm bảo.

Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam): Nỗ lực nâng cao vị thế hàng Việt - Ảnh 4

Bản thân ông Khương đã 35 năm theo đuổi nghề thiết kế giày. Ông nội ông là một nghệ nhân nổi tiếng chuyên thiết kế giày cho vua Bảo Đại. Sau một thời gian bị thất truyền, ông nội ông từ Phú Yên di cư ra Bắc lập nghiệp tại Cầu Giẽ, Phú Xuyên. Năm 1987, ông mở xưởng sản xuất giày da sau một thời gian làm gia công nhỏ lẻ tại gia đình. Với niềm đam mê nghề gia truyền của dòng họ, ông Khương đã theo ông nội học hỏi thiết kế và trở thành người nối nghiệp của gia đình. Từ đó đến nay, bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cộng với những kinh nghiệm vun đắp bao năm, đặc biệt là năng khiếu thiên bẩm, Nghệ nhân – Nhà thiết kế giày Nguyễn Văn Khương đã tạo ra những đôi giày độc đáo, khác biệt, mang dấu ấn của nghệ nhân Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Ông Nguyễn Văn Khương
Ông Nguyễn Văn Khương

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Văn Khương: Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam là đơn vị duy nhất làm công tác nghiên cứu, đến thuộc da, chế biến sản phẩm, trưng bày và bán lẻ. Theo đó, các mẫu giày được ra lò liên tục, nhất là đầu mùa sản xuất. Thường thì 01 năm có 02 mùa làm giày: Mùa Hè (ra Tết đã bắt đầu sản xuất), sản phẩm chủ yếu là xăng đan; Mùa Đông làm bốt nhiều hơn (sản xuất bắt đầu từ cuối Hè). “Việt Nam vẫn là “vùng trũng” về các sản phẩm giày dép da. Vì thế, chủ DN phải tự ý thức và nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng về mẫu mã. Nếu cứ giậm chân tại chỗ thì khó lòng phát triển vì các thương hiệu chủ yếu cạnh tranh về giá. Nếu DN tự thiết kế, chủ động về nguyên liệu và tự chào hàng cho công ty, doanh thu sẽ cao hơn!” – Nghệ nhân Nguyễn Văn Khương khẳng định.

 

Năm 2007, Trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm (Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam) phối hợp với một số làng nghề nghiên cứu, thiết kế, sản xuất một chiếc giày khổng lồ trưng bày dài tới 2m72. Hiện tại, Trung tâm đang triển khai thiết kế, sản xuất một chiếc dài 4m. Đây sẽ là kỷ lục Việt Nam mới về chiếc giày to và dài nhất từ trước đến nay. Để làm được chiếc giày khổng lồ này, các nhà thiết kế phải cắt nhỏ từng chi tiết sau đó nhân cỡ lên, từ cỡ 42 lên tới 4m. Dự kiến chiếc giày khổng lồ này sẽ trưng bày tại Triển lãm Quốc tế chuyên ngành da giày trong năm tới…

Tin Cùng Chuyên Mục