Theo Báo cáo, trong bối cảnh sau khi dịch Covid-19 dần ổn định, Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia đã có phương án điều chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ công tác, có giải pháp thích ứng trong tình hình mới, tích cực thúc đẩy tiến độ thực thi nhiệm vụ nhằm hoàn thành mục tiêu của đơn vị theo Kế hoạch năm 2022 đề ra và đảm bảo các nhiệm vụ của năm 2021 chưa thực hiện được do dịch Covid-19.
Công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp ngày càng nâng cao về chất lượng như công tác xây dựng văn bản, đề án; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; công tác kiểm tra, kiểm tra liên ngành vẫn được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Sở Tư pháp xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Đến nay, hồ sơ trình Nghị định đã được trình Chính phủ theo đúng tiến độ.
Hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp luôn được quan tâm, chú trọng, thông tin xử lý, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu của Trung tâm ngày một nhiều, chất lượng được đảm bảo. Trong năm 2022, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã vào sổ tiếp nhận 313.326 thông tin, tăng 5,67% so với cùng kỳ năm 2021. Trung tâm đã cấp cho các Sở Tư pháp 64.753 thông tin, tăng 16,98% so với cùng kỳ năm 2021. Trên cơ sở thông tin đã nhận, Trung tâm thực hiện, xử lý, cập nhật 281.551 thông tin, vượt 100% định mức xử lý thông tin, bằng 71,83% cùng kỳ năm trước.
Hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia luôn đảm bảo đúng với quy định của pháp luật. Tất cả các yêu cầu cấp Phiếu của người dân đều được Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tiếp nhận và cấp Phiếu đúng quy định.
Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tăng cường hỗ trợ các Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp bảo đảm kết quả tra cứu chính xác, thời hạn trả lời của Trung tâm cho Sở Tư pháp đúng hoặc sớm thời hạn theo quy định. Trong năm 2022, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp nhận và cấp 57.416 Phiếu lý lịch tư pháp, gồm 29.988 Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và 27.428 Phiếu lý lịch tư pháp số 2, tăng 23,6% so với năm 2021, đảm bảo 100% trường hợp đúng hoặc sớm hơn thời hạn.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, trong quá trình thực hiện công tác còn một số hạn chế, bất cập như: nhiệm vụ triển khai đoàn kiểm tra liên ngành của Trung tâm lùi thời hạn thực hiện sang năm 2023; Trung tâm nhận được một số phản ánh của người dân về việc gặp khó khăn, bức xúc do phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, phiền nhiễu khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội, gây ảnh hưởng đến nỗ lực cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân trong lĩnh vực lý lịch tư pháp của Trung tâm cũng như Sở Tư pháp trên toàn quốc.
Trong năm 2023, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tập trung xử lý, cập nhật thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp; tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; thực hiện hiệu quả công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm mục tiêu 100% yêu cầu cấp Phiếu của người dân, cơ quan, tổ chức đều chính xác, đúng thời hạn luật định…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm lý lịch tư phápquốc gia đã đạt được. Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, Trung tâm cần hoàn thiện, xây dựng Kế hoạch công tác 2023, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; cần có những giải pháp, kế hoạch để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo; hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm cần quan tâm xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm. Trong đó cần đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này; tăng cường đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để công việc thống nhất, tạo môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ làm việc ngày càng hiệu quả hơn.