Trung Quốc 'tuýt còi' xoài Việt

Theo Hải quan

Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn) đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trung Quốc 'tuýt còi' xoài Việt

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa phát đi thông tin chính thức làm rõ nhiều nội dung xung quanh câu chuyện xoài Việt xuất khẩu sang Trung Quốc vi phạm về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng và bị phía Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu.

Cụ thể, phía Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài, khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 (chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngừng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.

Trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sơ đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm.

Ngay khi nhận được thông tin về sự việc này, Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo cho các đơn vị kiểm dịch cửa khẩu và địa phương để thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và tiến hành điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục theo quy định.

Trong quá trình điều tra, Đồng Tháp thông báo cho Cục Bảo vệ thực vật về tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để tiến hành xuất khẩu không chỉ gây ảnh hưởng đế uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ xuất khẩu tới đây.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) đánh giá: "Trước mắt, việc này chưa gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu xoài do mùa vụ tại phía Nam đã kết thúc".

Để tránh lặp lại các vi phạm tương tự cũng như tăng cường các biện pháp quản lý để không gây thiệt hại trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương nói chung và Đồng Tháp nói riêng nhằm thảo luận cụ thể hơn về việc phân công trách nhiệm, thông nhất về cách thức triển khải thực hiện và tăng cường công tác quản lý vùng trồng không chỉ với sản phẩm xoài.

Cụ thể, ông Hiếu nhấn mạnh, trong thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và địa phương xuất khẩu về các quy định của thị trường nhập khẩu; yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng và kế hoạch tăng cường công tác giám sát đối với các mã đã cấp.

Ngoài ra, trên cơ sở làm việc với các tỉnh, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có kế hoạch phối hợp thực hiện giám sát cùng với địa phương.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Cục Bảo vệ thực vật sẽ chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ thêm, việc cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất phát từ yêu cầu của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Quy định này được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu áp dụng từ năm 2019.

Theo đó, trước khi các lô hàng quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường phải ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất mà khẩu.

Ngay trong năm 2018, để tạo điều kiện cho xuất khẩu và không làm gián đoạn thương mại, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để có những hướng dẫn cụ thể hơn và xây dựng cơ chế phối hợp giữa 2 bên.

Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 3906/BNN-BVTV ngày 23/5/2018 hướng dẫn các địa phương khai báo các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói tại địa phương có nhu cầu được cấp mã số theo các yêu cầu của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc.

Các tỉnh tiến hành rà soát kiểm tra và lập hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật để đề nghị cấp mã số. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói và gửi danh sách này để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận và đồng ý.

"Cần phải nhấn mạnh rằng lượng mã số lớn trải dài ở tất cả các địa phương nên trong năm 2019 Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với nhiều địa phương để tiến hành tập huấn, phổ biến thông tin liên quan đến nội dung quy trình cấp mã số cho thị trường Trung Quốc", ông Hiếu nói.

Trong đó, nội dung tập huấn đặc biệt nhấn mạnh vai trò địa phương trong việc xác minh thông tin các vùng trồng có yêu cầu cấp mã và thực hiện vùng giám sát các mã số vùng trồng đã được phía Trung Quốc chấp nhận.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục