Nikkei Asia đưa tin, thứ Năm vừa qua, chính quyền Trung Quốc vừa cho triệu tập 13 công ty trong lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó bao gồm cả ông lớn Tencent và ByteDance.
Nguồn tin tiết lộ, đây là một cuộc "phỏng vấn giám sát" của chính quyền Bắc Kinh nhằm thắt chặt hơn nữa các quy định trong lĩnh vực này sau cuộc đàn áp chống lại Ant Group.
Các nhà chức trách cho biết, mục đích của cuộc phỏng vấn, như trong trường hợp của Ant, là ngăn chặn độc quyền và "sự mở rộng vốn một cách mất trật tự". Đồng thời kiểm soát năng lực quản trị của các công ty, quy định chênh lệch giá và cạnh tranh không lành mạnh.
Các công ty bị triệu tập hôm thứ Năm đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - ngân hàng trung ương của nước này - cho biết trong một thông cáo.
Tencent sở hữu WeChat Pay - đối thủ hàng đầu của Ant Group, công ty fintech của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Những người được triệu tập cũng bao gồm chủ sở hữu TikTok ByteDance, nền tảng dịch vụ tài chính Lufax được niêm yết tại New York cũng như các nhánh fintech của JD.com, Baidu, Meituan, Didi Chuxing và Ctrip.
Các cơ quan bao gồm PBOC, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước đã tổ chức các cuộc đàm phán do Pan Gongsheng, Phó thống đốc PBOC, chủ trì.
Trong khi các công ty fintech đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của các dịch vụ tài chính, tính bao trùm của hệ thống tài chính và giảm chi phí giao dịch, thì ngành công nghiệp này cũng tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối. Một số nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã hoạt động mà không có giấy phép, và một số hoạt động của các công ty cũng gây ra cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền của người tiêu dùng, các nhà quản lý cho biết.
Các nhà chức trách đã đưa ra 7 nguyên tắc chấn chỉnh trong cuộc họp với các công ty, trong đó nguyên tắc đầu tiên là tất cả các hoạt động tài chính phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý. Một nguyên tắc khác kêu gọi các công ty "ngắt kết nối không phù hợp giữa các công cụ thanh toán và sản phẩm tài chính khác". Ngoài ra, cũng bao gồm yêu cầu chống độc quyền thông tin, thành lập các công ty nắm giữ tài chính và cấm các giám đốc điều hành cấp cao giữ nhiều vị trí trong bộ máy kinh doanh để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của fintech.
Chính phủ Bắc Kinh đã và đang nỗ lực thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực fintech của đất nước kể từ khi ra lệnh hủy bỏ kế hoạch IPO dự kiến trị giá 37 tỷ USD của Ant. Cơ quan Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc (SAMR) cũng vừa ra án phạt Alibaba 2,81 tỷ USD trong cuộc điều tra chống độc quyền với hãng này.