Trung An (TAR) chốt quyền trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%

Lam Lê

TAR dự kiến phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 01 cổ phiếu mới). Ngày chốt danh sách là 11/11.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã CK: TAR) mới công bố nghị quyết HĐQT về việc chốt danh sách trả cổ tức năm 2021.

Trung An (TAR) chốt quyền trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10% - Ảnh 1

Cụ thể, TAR dự kiến phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 01 cổ phiếu mới). Ngày chốt danh sách là 11/11.

Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 71,2 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021.

Trước đó, TAR cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với kết quả doanh thu thuần gần 490 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng giảm 30%. Lợi nhuận gộp giảm 46%, thu về hơn 38,4 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp từ 9,7% xuống 7,8%.

Trong kỳ, việc tăng lãi vay khiến chi phí tài chính của Công ty tăng 30%, lên gần 22.8 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính chỉ còn gần 400 triệu đồng, giảm 72% so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng giảm 17%, còn hơn 8,4 tỷ đồng; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10%, lên hơn 5,7 tỷ đồng.

Các yếu tố này khiến lãi ròng quý III/2022 của TAR chỉ còn 830 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TAR đem về 2.222 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, giảm 9%. Lãi ròng của công ty đạt hơn 46,5 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Năm 2022, TAR đặt mục tiêu với doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2021. Kết thúc 9 tháng, TAR chỉ mới thực hiện được hơn 47% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đến thời điểm 30/09/2022, TAR đang sở hữu tổng tài sản gần 2.751 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Chênh lệch đáng kể này chủ yếu từ khoản phải thu ngắn hạn tăng 83%, lên hơn 543 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu của khách hàng chiếm 453 tỷ đồng (gấp 2,7 lần) và trả trước cho người bán gần 75 tỷ đồng (giảm 21%).

Hàng tồn kho đạt gần 1.451 tỷ đồng, tăng 43%, phần lớn là nguyên vật liệu với gần 1.300 tỷ đồng (tăng 71%), thành phẩm gần 130 tỷ đồng (tăng 35%).

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả tăng 19% so với đầu năm, lên gần 1.570 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ thuê ngắn hạn chiếm 87% tổng nợ phải trả, tăng 15%.

Vốn chủ sở hữu gần 1.181 tỷ đồng, tăng 73%; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 232 tỷ đồng, tăng 25%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu TAR giảm 8,97%, xuống 14.200 đồng/cổ phiếu.

Trong báo cáo tháng 9, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán, bởi kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của doanh nghiệp này với tỷ trọng đến 27% doanh thu xuất khẩu.

Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng dự báo doanh thu năm 2022 của TAR có thể tăng 10% so năm trước, lên 3.432 tỷ đồng (kế hoạch 3.500 tỷ đồng), chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu tăng; lợi nhuận sau thuế ở mức 141 tỷ đồng, tăng 53%. Ngoài ra, TAR có thể có khoản thu bất thường trong trường hợp chuyển nhượng thành công lô đất phi nông nghiệp 11.000 m2 tại Cần Thơ.

Gạo Việt Nam ngoài lợi thế chất lượng còn đang cạnh tranh tốt nhờ giá rẻ, trong khi lạm phát toàn cầu đã tăng gấp 2-3 lần. Các chuyên gia kinh tế nhận định gạo Ấn Độ đang cạnh tranh kém do bị áp thuế nên giá cao, do đó các nước nhập khẩu gạo trên thế giới đang chuyển hướng sang nhập gạo từ Việt Nam, Thái Lan...

Tin Cùng Chuyên Mục