Crystal Thảo Lâm là trưởng nữ của ông Calvin Tài Lâm, nhà sáng lập Vinawood. Vinawood thành lập năm 1986 tại Mỹ và mở nhà máy sản xuất màn gỗ tại Việt Nam vào năm 2002. Vinawood sản xuất màn sáo gỗ, hướng vào phân khúc cao cấp, 100% xuất khẩu.
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, Crystal Thảo Lâm trở về Việt Nam thay cha điều hành Vinawood từ năm 2008. Theo Vinawood, hiện tại, công ty chi phối thị trường màn gỗ nói chung tại Mỹ và Nhật Bản.
Năm 2008, khi điều hành công ty gia đình, ngoài hai thị trường truyền thống Mỹ và Nhật Bản thế hệ sáng lập đã khai phá, Crystal Thảo Lâm mở rộng thị trường xuất khẩu mới cho Vinawood như Hà Lan, Anh, Thái Lan, Philippines, Singapore, Đài Loan... Vinawood từ chối công bố doanh thu nhưng theo thông tin tự bạch, tăng trưởng công ty mỗi năm ở mức hai con số.
Đi nửa vòng trái đất để trở về quê hương, Crystal Thảo Lâm phải học cách thích nghi với một môi trường làm việc hoàn toàn khác biệt. Sự bỡ ngỡ ban đầu dần thay thế bằng hình ảnh một nữ CEO dạn dĩ và đầy bản lĩnh.Trong chương trình "10 Minute Tips From The Top", Thảo Lâm đã chia sẽ những điều cô học được trong hành trình dài đó.
1. Khuyến khích nhân viên "cãi" sếp
Khi bắt đầu đảm nhận vị trí điều hành Vinawood, Crystal Thảo Lâm nhận ra doanh nghiệp vẫn tồn tại những hạn chế mà thế hệ trước chưa thể khắc phục. Cô chia sẻ: "Thời kỳ trước, Vinawood thiếu đi một con người có khả năng quản lý quy trình và chuẩn hoá mọi thứ."
Điều này dẫn tới việc các nhân viên luôn rơi vào trạng thái bị động, "bảo gì nghe nấy". Họ không có cơ hội phản biện và đưa ra ý kiến riêng.
"Vô hình trung nó đã tạo nên một không khí làm việc không tốt. Đã có lúc tôi cảm thấy cha mình rất đơn độc trong cuơng vị lãnh đạo. Không ai ở bên cạnh ông để đưa ra những ý kiến mới."
Mọi chuyện thay đổi dưới thời kỳ của thế hệ lãnh đạo thứ hai. Crystal Thảo Lâm khuyến khích tư duy phản biện lãnh đạo, khiến mọi người dễ dàng đưa ra ý kiến mà không sợ bị chỉ trích.
"Giờ thì ai cũng thoải mái trò chuyên với tôi" - nữ doanh nhân vui vẻ nói.
Rõ ràng, khi người lãnh đạo cố gắng bỏ tâm sức để tạo dựng niềm tin với nhân viên, họ sẽ nhận được thành quả xứng đáng.
2. Biết "bóc" lớp mặt nạ của nhân viên
Crystal Thảo Lâm gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với nhân viên trong thời gian đầu. Cô hiểu rằng đó là một phần của văn hoá người Việt: kiệm lời và đôi lúc nhút nhát khi chưa thực sự quen biết.
Và nữ CEO đã nghĩ ra cách để xoá đi rào cản vô hình đó. Cô lập một nhóm trò chuyện trên ứng dụng Whatsapp, và "add" tất cả mọi người trong văn phòng vào.
"Khi gặp tôi ngoài đời, họ không thật sự cởi mở. Nhưng trong nhóm trò chuyện Whatsapp, ai cũng rất vui vẻ. Họ thoải mái gửi cho tôi những biểu tượng mặt cười, những lời nói đùa khiến chúng tôi gần gũi hơn. Đó là nơi ai cũng thoải mái thể hiện tính cá tính."
Với những công nhân ở nhà xưởng, Thảo Lâm cố gắng "làm thân" bằng cách gặp gỡ họ mỗi ngày: "Ở xưởng, mọi người không giao tiếp với nhau nhiều. Tôi biết bạn, bạn biết tôi, và chúng ta cùng nhau làm xong việc. Nhưng tôi luôn cố gắng xuống xưởng mỗi ngày để tạo sự gần gũi."
3. Hãy biết thể hiện năng lực của mình
Crystal Thảo Lâm nối nghiệp cha và trở thành CEO của một doanh nghiệp về gỗ - một lĩnh vực xã hội mặc định dành cho cánh đàn ông. Cô vấp phải định kiến từ chính những nhân viên cấp dưới. Ai có thể tin một cô gái người Mỹ có thể thành công tại Việt Nam, nhất là ở một lĩnh vực chẳng có gì liên quan tới "đàn bà con gái".
Trước những ánh mắt nghi ngại hướng về mình, Thảo Lâm đáp trả bằng sự nỗ lực và tập trung làm việc chăm chỉ bằng 200% sức lực.
"Tôi tự nhủ rồi họ sẽ công nhận sự cố gắng của tôi. Tôi lao vào học hỏi mọi thứ, sau đó truyền đạt lại cho cấp dưới tất cả những điều tôi đã học được."
Và cuối cùng, thái độ chân thành của Thảo Lâm đã được ghi nhận một cách xứng đáng.
4. Biến "tôi" thành "chúng ta"
Thảo Lâm chia sẻ một câu chuyện cô nhớ mãi. Trước kỳ nghỉ quan trọng, Vinawood nhận được một đơn hàng lớn, đòi hỏi phải huy động toàn bộ nhân lực để có thể hoàn thành. Tuy nhiên, có một vài nhân viên tỏ ra lo ngại về tiến độ làm việc.
Nghe được thông tin đó, Thảo Lâm ngay lập tức có mặt tại xưởng để trực tiếp tham gia mọi công đoạn. "Tôi có mặt ở đó để đảm bảo mọi nhân viên có mọi thứ họ muốn". Và đó thực sự là khoảnh khắc tạo nên hình ảnh một nữ CEO thân thiện, hết mình trong mắt nhân viên.
"Tôi làm việc hăng say tới mức quên cả ăn uống. Nhưng điều làm tôi xúc động đó là tình cảm của các nhân viên. Họ chuẩn bị sẵn đồ ăn và bắt tôi phải ngừng công việc để nạp năng lượng".
Cô đúc kết sự khác biệt trong văn hoá làm việc tại Mỹ và Việt Nam: "Ở Mỹ, ai cũng có rất nhiều ý kiến riêng, nhưng ở Việt Nam, ít ai muốn phát biểu trong các buổi họp. Nhưng họ luôn quan tâm tới quyền lợi của bản thân."
Nữ CEO cho rằng phải biết biến "cái tôi" thành "chúng ta". Đồng thời, hãy biết gieo vào tâm trí nhân viên sự hứng khởi khi cống hiến cho tập thể.