Năm 2023, sản lượng sản xuất ngành thép suy giảm khi các doanh nghiệp ưu tiên tiêu thụ tồn kho khi nhu cầu ngành yếu từ diễn biến trầm lắng của ngành xây dựng và thị trường bất động sản.
Cụ thể, sản lượng thép thô đạt 17,87 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ còn sản phẩm thép đạt 26,56 triệu tấn, giảm 8,33%.
Bước sang năm 2024, triển vọng ngành thép được dự báo sẽ hồi phục mạnh nhờ thị trường xây dựng phục hồi và tồn kho ngành giảm bớt.
Công ty chứng khoán FPT (FPTS) kỳ vọng, sản lượng sản xuất ngành với thép thô và nhóm sản phẩm thép năm 2024 sẽ đạt lần lượt là 19,15 triệu tấn, tăng 7,16% so với cùng kỳ và 28,36 triệu tấn, tăng 6,76%.
Sản lượng bán hàng sản phẩm thép kỳ vọng tăng lần lượt 8,68% và 5,19% năm 2024, tạo dư địa cho các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất.
Mặc dù vậy, FPTS cho rằng mức phục hồi nhu cầu thép năm 2024 dự kiến chỉ bắt đầu từ quý II. Yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất của ngành thép trong năm nay đến từ sự phục hồi của ngành xây dựng dân dụng, trong khi mảng xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng của năm 2023.
Sản lượng thép nội địa được tiêu thụ nhiều nhất trong hoạt động xây dựng dân dụng. Do vậy, kỳ vọng xây dựng dân dụng bắt đầu phục hồi trong quý IV/2023 và sôi động kể từ quý II/2024 tạo cú hích lớn cho nhu cầu sản phẩm thép trong nước.
Trước đó, trong năm 2023, dưới các áp lực tiêu cực từ hoạt động xây dựng ảm đạm và thị trường bất động sản trầm lắng, sản lượng bán hàng sản phẩm thép năm 2023 nội địa đã giảm tới 16%.
Nhóm phân tích nhận định năm 2024 sẽ là một năm khởi sắc hơn đối với hoạt động bán hàng nội địa của ngành thép khi sản lượng sản phẩm thép dự phóng phục hồi ở mức 18,59 triệu tấn, tăng 8,6% so với năm 2023.
Dù vẫn thấp hơn so với năm 2022, đây là mức tăng trưởng dương lần đầu sau hai năm liên tục ghi nhận sụt giảm của sản lượng bán hàng trong nước.
Về xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu thép dự báo tăng 5,19% nhờ nhu cầu thép tăng tại các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Theo World Steel, nhu cầu thép gia tăng nhờ tăng trưởng giá trị xây dựng cơ sở hạ tầng tại thị trường Asean, Mỹ và EU là động lực cho hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam duy trì khả quan trong năm 2024.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng sản lượng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam tăng mạnh chủ yếu từ việc suy yếu hoạt động xuất khẩu thép của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh sự gia tăng về nhu cầu sử dụng, một động lực nữa cho các doanh nghiệp trong ngành thép đó là giá bán có thể tăng lên trong năm nay. Giá bán thép dự báo tăng 2,79% - 6,06% tùy chủng loại, chủ yếu do nhu cầu sử dụng tăng lên trong khi hàng tồn kho của các công ty dần giảm bớt.
Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép lại đang có xu hướng giảm. Nguyên liệu đầu vào ngành thép tại trung và thượng nguồn chuỗi giá trị ngành gồm có quặng sắt, than cốc, thế phế và phôi thép.
Trong đó, với việc có tỷ trọng chi phí cao về giá trị và khối lượng trong sản xuất thép tại thượng nguồn, diễn biến giá quặng sắt và than cốc - chiếm lần lượt 29% và 25% cơ cấu chi phí lò BOF có tác động lớn nhất tới giá thành sản xuất thép và giá bán của các sản phẩm thép đầu ra.
Theo World Bank, giá quặng sắt trong năm 2024 kỳ vọng ở mức 108 USD/tấn, giảm 2,8% so với mức dự kiến 121,3 USD/tấn của năm 2023. Giá than cốc cũng được dự báo giảm 24% trong năm 2024. Điều này sẽ tạo điều kiện cho biên lợi nhuận ngành cải thiện.
Đồng quan điểm với FPTS, công ty chứng khoán MBS cho rằng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép đã phục hồi sau khi tạo đáy vào nửa cuối năm 2022. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành thép năm 2024 được kỳ vọng phục hồi lên mức 13% trong năm 2024, cùng kỳ đạt 8%.
“Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép dự kiến tăng trưởng 40% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ doanh thu phục hồi 25%, sản lượng và giá bán tăng trưởng lần lượt 9% và 8%, biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13%, chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt”, MBS kỳ vọng.
Link bài gốc