Ngày pháp luật

Trích lập dự phòng rủi ro, lãi trước thuế quý IV/2023 của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) giảm 37%

Linh An

Lũy kế cả năm 2023, MSB ghi nhận 9.188 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 10% so với năm ngoái. Lãi trước thuế gần 5.830 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (mã ck: MSB), nhà băng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 14% lên mức 2.382 tỷ đồng.

Các nguồn thu ngoài lãi có sự tăng giảm không đồng đều. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 10% lên 281,1 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 63% về 41,1 tỷ đồng. Điểm sáng là MSB thu được một khoản 281,7 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 129,8 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng rủi ro, lãi trước thuế quý IV/2023 của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) giảm 37% - Ảnh 1

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận từ hoạt động khác báo lỗ 265,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 329 tỷ đồng.

Trong 3 tháng cuối năm, MSB dành ra 327,7 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ. Khoản lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng ghi nhận tại 934 tỷ đồng. 

Kết quả là, ngân hàng lãi trước thuế 606,9 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 483,7 tỷ đồng, giảm 37% so với quý IV/2022.

Lũy kế cả năm 2023, MSB ghi nhận 9.188 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 10% so với năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 44% lên 1.597 tỷ đồng. 

Lãi trước thuế gần 5.830 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước. Với kết quả đạt được, ngân hàng mới thực hiện được 93% so với mục tiêu 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.

Tính đến cuối năm  2023, tổng tài sản của MSB đạt 267.005 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành, với danh mục tín dụng được phân bổ đa dạng, tập trung những ngành cốt lõi của nền kinh tế, qua đó giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn. Ngân hàng cũng giảm dần tỷ lệ cho vay bất động sản trong danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp khi tỷ trọng này giảm từ mức 13,5% năm 2022 xuống 12,2% năm 2023.

Mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận tăng trưởng 20%, từ mốc 31.600 tỷ đồng cuối năm 2022 lên 37.900 tỷ đồng kết thúc năm 2023 với 96% tổng danh mục là trái phiếu chính phủ và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành.

Tổng tiền gửi khách hàng đạt trên 132.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 21%. Bên cạnh đó, tiền gửi từ khách hàng cá nhân gần 76.000 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 57% tổng danh mục; số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn.

Về các chỉ số an toàn hoạt động, thanh khoản MSB duy trì ổn định và ghi nhận số liệu tích cực với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) đạt 67,55%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) chỉ 24,87%. Tỷ lệ nợ xấu NPL riêng lẻ giữ mức 1,77% trước CIC và 1,94% sau CIC.

Tin Cùng Chuyên Mục