Bộ phim Forrest Gump có một câu nổi tiếng là: “Mẹ luôn nói rằng cuộc sống giống như một hộp sô cô la vậy. Bạn sẽ không bao giờ biết mình sẽ nhận được gì.” Điều này cũng tương tự đối với những người lãnh đạo. Bất kì ai khi nhận được một vị trí công việc nào cũng sẽ không biết mình sẽ nhận được những điều gì.
Để xem bạn có phải hoặc có đang làm việc cho một người sếp tốt hay không, bạn có thể thực hiện một bài tập nhỏ dưới đây. Nó dùng để đánh giá năng lực cảm xúc hiện tại của những nhà lãnh đạo có chỉ số EQ cao. Đặc biệt, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chúng ta đều đang phải trải qua trạng thái căng thẳng và lo âu. Chính vì vậy, việc nhìn thấy những năng lực cảm xúc này được thể hiện qua hành động của người lãnh đạo sẽ giúp nhân viên cảm thấy yên tâm và dễ chịu hơn.
1. Họ thể hiện sự lạc quan
Năng lực EQ này được thể hiện qua việc họ luôn có hi vọng và luôn chủ động trong việc tạo ra các khả năng và tìm kiếm các giải pháp. Ở mức độ cao hơn, một người lạc quan quan là người có tư duy tích cực. Điều này đặc biệt quan trọng khi phải đối diện với khủng hoảng hiện tại.
2. Họ thúc đẩy nhân viên của mình từ bên trong
Làm được điều này, các nhà quản lý sẽ giúp kích hoạt động lực nội tại ở mỗi nhân viên bằng cách kết nối họ với các công việc có mục đích, ý nghĩa và những ảnh hưởng lâu dài. Trong khoảng thời gian này, họ cho nhân viên của mình thấy, cảm nhận và trải nghiệm những tác động đến từ sự thay đổi của tình hình hiện tại. Hơn nữa, trong công việc, họ cho phép nhân viên có quyền bày tỏ và chia sẻ ý kiến cá nhân để hướng đến những mục tiêu và giá trị chung.
3. Họ có tầm nhìn
Sếp bạn có phải là người có tầm nhìn và mục đích rõ ràng trong việc điều hành công ty để đi đến những mục tiêu chung cuối cùng? Điều này quan trọng là vì tầm nhìn giúp nhà lãnh đạo có định hướng tốt hơn và điều chỉnh các quyết định của mình hướng đến những mục tiêu dài hạn phía trước. Nói đơn giản, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn định hướng cho những quyết định là người biết sử dụng trí tuệ cảm xúc cho những thay đổi tích cực.
4. Họ biết đồng cảm và thấu hiểu
Sếp của bạn có nhận ra và phản ứng thế nào với cảm xúc của người khác? Năng lực cảm xúc này cho phép họ thấu hiểu và xây dựng kết nối cảm xúc mạnh mẽ với mọi người. Về bản chất, sự đồng cảm chính là hành động nhìn nhận vấn đề theo nhiều quan điểm khác nhau. Trong một tập gần đây của podcast Love in Action, Michael Ventura - nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Sub Rosa, và là tác giả của cuốn sách Applied Empathy, đã miêu tả những dạng khác nhau của sự đồng cảm như sau:
- Affective empathy - bạn đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn bản thân mình được đối xử
- Somatic empathy - tự cảm nhận bên trong mình những gì người khác có thể trải qua, ở mức độ vật lý
- Cognitive empathy - bạn đối xử với người khác theo cách mà họ muốn bạn đối xử với họ (nhìn nhận vấn đề trên lập trường của người khác)
Ventura nói: “Cách duy nhất để xây dựng một đội ngũ kiên cường và có tính hợp tác đó chính là biết đồng cảm.” Nếu bạn không thể đo lường sự đồng cảm, hãy đánh giá nó qua hiệu ứng công việc: đội ngũ làm việc năng suất hơn, hợp tác ăn ý hơn và hoàn thành công việc nhanh hơn, tốt hơn. Trên thị trường thì các công ty có khả năng phục hồi và thích ứng tốt hơn, Và kết quả là, việc tạo lập sự đồng thuận trong các vấn đề trở nên dễ dàng hơn.
Nếu bạn đang làm với người lãnh đạo thể hiện được các năng lực đó, chúc mừng bạn. Còn nếu bạn đang tìm kiếm cho mình một môi trường làm việc để gắn bó lâu dài, bạn nên bắt đầu xem xét các năng lực này ngay từ đầu. Hãy dành ra chút thời gian để tìm hiểu, và sau đó hãy thể hiện cho sếp của bạn thấy bạn thực sự quan tâm và tò mò về vị trí làm việc mới này, về các thành viên khác và cả những mục tiêu chung.