Trong phiên tòa xử ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hành trình khởi nghiệp cà phê Trung Nguyên - thương hiệu được ghi nhận là thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2014 - được tái hiện lại qua lời ông Vũ.
"Ngay từ khởi đầu là cái gia đình này… Lúc đầu không ai nghe người con của mình về việc thiết tha bán nhà, tương lai vô định", ông Vũ kể lại giữa phiên tòa.
"Nó (ông Vũ - PV) về bàn bạc với gia đình là con muốn làm cà phê. Tôi và chồng tôi thống nhất là bán 2 căn nhà với mượn của một người cháu 25 triệu, mượn của bạn Vũ 1 chiếc xe Honda thế chấp 15 triệu để cho con tôi lập nghiệp", bà Lê Thị Ước - mẹ đẻ ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhớ lại.
Bài tự sự của ông Vũ trên Tuổi trẻ hồi năm 2004 có thuật lại giai đoạn này: "Tôi có ba đứa bạn rất thân cùng phòng trọ. Có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám nên tôi cũng là người sùng sục trước nhất về chuyện phải làm ra tiền, phải làm giàu. Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền lại mua một lò rang cà phê".
Trong những ngày đầu khởi nghiệp, nhóm bạn nhận về mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở các quán. Sau đó thu tiền lại, trả và mượn tiếp vài ký khác. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc đó là một mũi tên chĩa thẳng lên trời - thể hiện khát vọng của những bạn trẻ thời buổi ấy.
"Chúng ta là những người trẻ, có học, khởi nghiệp sau người ta 20 năm hết. Nhưng chúng ta quyết tâm 6 tháng chúng ta phải vượt 20 năm. Và rõ ràng trong 6 tháng, chúng tôi về doanh thu, hình ảnh tràn khắp Buôn Mê Thuột".
"Nhà tôi không ai trụi tóc. Trong quá trình tư duy khởi nghiệp cho đến tìm kiếm phương tiện rồi dựng xây Trung Nguyên, đầu tôi trụi thế này", ông Vũ kể lại trước tòa.
Về chiến lược xây dựng Trung Nguyên, ông Vũ cho rằng 20 năm nay, Trung Nguyên không còn tính mới.
"Giai đoạn này phải xác định là giai đoạn đầu tư, không phải giai đoạn khai thác thương hiệu. Nếu bạn có kiến thức về kinh tế sẽ hiểu ngay điều này. Giai đoạn đầu tư và khai thác khác nhau lắm", ông Vũ nói.
Theo lập luận của ông Vũ, ở giai đoạn đầu tư, cần phải thay đổi công nghệ, đào luyện luôn cả con người bên trong, xử lý lại luôn nguyên liệu.
Thứ nữa, về mặt nguyên tắc, điểm mà ông Vũ cho là "thông minh khi dùng tiền", là trích 10% của doanh thu dự kiến dành cho marketing.
"Nếu doanh thu 5.000 tỷ/năm (hiện đang dự kiến ở mức 5000 tỷ này), nghĩa rằng được phép trích ra 10% - 15%, tức 500 tỷ đồng, để dùng vào việc khác. Thay vì dùng việc chiết khấu theo kiểu buôn bán bình thường, thì mình dùng việc lấy lòng gián tiếp hơn".
"Xe cộ vẫn còn đó, đâu có thay đổi gì. 500 tỷ, 700 tỷ, thậm chí 1000 tỷ cũng vẫn còn đó, không mất đi. Đó là sự thông minh khi dùng tiền", ông Vũ nói về việc chi 400 tỷ cho dàn siêu xe phục vụ chiến dịch marketing của Trung Nguyên mới đây.
Trong suốt câu chuyện phát triển Trung Nguyên qua lời ông Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không được nhắc đến.
Ngay cả bài tâm sự dài gần 3.500 chữ trên Tuổi trẻ cách đây 15 năm cũng không có tên bà Thảo, một chữ "vợ" trong bài cũng không có.
Trong bài tâm sự ấy, câu chuyện "tơi tả trận đầu" được nhắc đến trong lần "viễn chinh" tới TPHCM lần 1, và phải đến lần 2 (tháng 8/1998), khi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Trung Nguyên mới bắt đầu khởi sắc.
Theo lời luật sư đại diện pháp lý, bà Thảo quen ông Vũ từ năm 1994, khi ông Vũ còn là một anh sinh viên nghèo, đến năm 1998 thì kết hôn với ông Vũ và chung tay mở quán cà phê đầu tiên tại TPHCM cùng chồng.