Sau khi phía đạo diễn Việt Tú đưa ra trước tòa văn bản giám định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, với ý kiến chuyên môn cho rằng Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh vở diễn Thuở ấy xứ Đoài, đã có những ý kiến khác nhau về giá trị pháp lí của văn bản này.
Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM cho rằng văn bản này "khó có thể hỗ trợ Việt Tú trong vụ kiện", vì không có giá trị pháp lí của một văn bản giám định quyền tác giả theo qui định tại Thông tư 15 năm 2012 của Bộ VH-TT&DL.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Công ty luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đạo diễn Việt Tú trong vụ kiện lần này, cho rằng: "Theo quy định tại Điều 97, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong quá trình tố tụng, bên cạnh việc các đương sự cung cấp chứng cứ, Tòa án có thể tiến hành một số biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó có việc 'yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự'.
Luật sư phía Việt Tú nói thêm, để đảm bảo khả năng tự thu thập chứng cứ của Tòa án, luật còn cho phép Tòa án có thể tiến hành các biện pháp khác theo quy định. Như vậy, các biện pháp mà Tòa án có thể tiến hành để thu thập chứng cứ là hết sức đa dạng, không chỉ có việc trưng cầu giám định. Trên thực tế, đây là một thủ tục hết sức phổ biến tại các cơ quan tố tụng", bà Hà cho biết.
Trước ý kiến cho rằng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không có chức năng giám định quyền tác giả, mà quyền đó thuộc về Cục Bản quyền.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà nói: "Trong vụ việc giữa Tuần Châu Hà Nội và DS, Tòa án đã thực hiện thủ tục yêu cầu ý kiến chuyên môn từ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, một tổ chức rõ ràng có liên quan tới lĩnh vực biểu diễn sân khấu".
Đạo diễn Việt Tú tại phiên xử ngày 14/3 vừa qua
Về Cục Bản quyền Tác giả, bà Hà nói trong quá trình tố tụng, Tòa án cũng đã có công văn hỏi Cục Bản quyền Tác giả về các vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả chỉ trả lời 1 trong số 3 câu hỏi mà Tòa án đưa ra. Hai câu hỏi còn lại là mấu chốt của vấn đề, Cục đã không đưa ra câu trả lời.
Như vậy, theo khẳng định của luật sư này, để tham vấn về chuyên môn, Tòa đã ban hành công văn hỏi, và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đưa ra văn bản trả lời về những vấn đề liên quan tới kịch bản/vở diễn sân khấu. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục tố tụng, trong phạm vi quyền hạn của Tòa án và chức năng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu.
"Văn bản trả lời của Hội Nghệ sĩ sân khấu đảm bảo tính khách quan, trả lời về những vấn đề liên quan tới vụ việc và được thu thập theo một trình tự hợp pháp. Đây sẽ là một trong những chứng cứ quan trọng trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án", luật sư Thu Hà nói thêm.
Bà Hà cũng nói rằng phía đạo diễn Việt Tú còn có được 5 ý kiến của 5 đạo diễn, biên đạo là những người làm nghề uy tín hiện nay. Giám định viên cho dù có được cấp thẻ giám định nhưng lại không có chuyên môn về nghề, cũng không thể đưa ra kết luận thật sự chính xác về lĩnh vực nhạy cảm này.
Văn bản giám định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Tuy nhiên, quan điểm của luật sư Phan Vũ Tuấn, Hội Nghệ sĩ không trực thuộc Cục Bản quyền, không phải là Trung tâm Giám định quyền tác giả, nên Hội Nghệ sĩ không có chức năng, thực hiện việc giám định quyền tác giả đối với kịch bản hai vở diễn đã nêu.
Trước thắc mắc về việc chủ đầu tư có quyền làm tác phẩm phái sinh, mà quan điểm của Viện kiểm sát là đạo diễn Việt Tú cần chuyển giao lại quyền chủ hữu cho chủ đầu tư, có đúng hay không, luật sư Thu Hà nhận định:
"Cần khẳng định đạo diễn Việt Tú luôn có thiện chí bàn giao lại quyền đó cho chủ đầu tư, với điều kiện chủ đầu tư cần thanh toán hết công nợ còn tồn đọng (Viện kiểm sát đã đồng ý với điều này và yêu cầu chúng tôi tính toán lại con số).
Ngoài ra, chủ đầu tư, sau khi nhận chuyển giao quyền chủ sở hữu từ Việt Tú, có quyền làm tác phẩm phái sinh. Nhưng điều đó không có nghĩa đạo diễn của vở diễn phái sinh lại không thừa nhận rằng những gì mình làm được là đặt trên sáng tạo của kịch bản và vở diễn gốc.
"Tôi chỉ lưu ý, phán quyết của Tòa là phán quyết về kinh doanh thương mại, tranh chấp về quyền sử hữu trí tuệ của hai bên doanh nghiệp. Còn về khía cạnh chuyên môn, như đạo diễn Việt Tú đã nói: 'Với văn bản của hội nghề nghiệp và giới làm nghề uy tín, thì kết quả này đã có rồi", luật sư Thu Hà khẳng định.
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam được thành lập năm 1957, là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phi lợi nhuận quy tụ các nghệ sĩ, nhà hoạt động sân khấu tự nguyện có đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền sân khấu Việt Nam.
Theo điều lệ của Hội Nghệ sĩ sân khấu đã được Bộ Nội vụ phê duyệt năm 2005, một trong những chức năng của Hội là "Phối kết hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi và góp phần nâng cao uy tín của giới sân khấu Việt Nam cùng với văn nghệ sĩ có tiếng nói chung bảo vệ sự nghiệp hòa bình tiến bộ, xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nghệ sĩ sân khấu".
Chủ tịch hội hiện tại là NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL.