Tình huống pháp luật
Công ty X được thành lập gồm 3 thành viên hợp danh là A, B, C, ngoài ra có D là thành viên góp vốn. Công ty hoạt động được một thời gian thì A chết để lại phần vốn góp trong công ty cho 2 người thừa kế là E và F. E rút vốn khỏi công ty. Sau đó F bán phần vốn góp được hưởng cho G.
Các thành viên của công ty nhất trí cho G trở thành thành viên hợp danh của công ty do mua phần vốn góp của F. Đồng thời nhất trí cho D trở thành thành viên hợp danh vào cùng thời điểm. Công ty hoạt động tiếp được hơn 1 năm sau thì bị phá sản.
Các chủ nợ đòi hỏi E, F, G, D cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn đối với các khoản nợ của công ty cùng với B và C. Đòi hỏi của các chủ nợ có hợp lý không? Tại sao?
Luật sư lê Minh Trường - Giám đốc/ Luật sư điều hành Và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của công ty luật Minh Khuê trả lời:
Căn cứ theo Điểm h, Khoản 1, Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh:
“Trường hợp thành viên hợp danh chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó.
Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận”.
Căn cứ theo Điểm h Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh:
“Trường hợp thành viên hợp danh chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận”.
Như vậy tư cách thành viên hợp danh của A bị chấm dứt theo quy định tại Điểm b Khoản 3, Điều 138, Luật Doanh nghiệp 2005 và E, F hoàn toàn có quyền được thừa kế số vốn góp do A để lại.
Hiện tại chưa có quy định pháp luật nào quy định về việc người thừa kế số vốn góp của thành viên hợp danh bị chết chắc chắn trở thành thành viên hợp danh hay thành viên góp vốn của công ty.
Do đó, việc E đã rút vốn góp từ công ty chỉ hợp pháp khi E chứng minh được mình là thành viên hợp danh của công ty và đã được các thành viên chấp thuận.
Ngoài ra, A phải thực hiện thủ tục rút vốn khỏi công ty đúng theo quy định tại Khoản 2, Điều 138 và A chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm đó được thông qua. Lúc này A mới được chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Trong trường hợp công ty bị phá sản như ví dụ nêu trên, việc các chủ nợ đến đòi E phải chịu trách nhiệm liên đới, là hoàn toàn hợp pháp bởi vì E tự nguyện rút vốn khỏi công ty.
Theo quy định của pháp luật trong hai năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh thì E vẫn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại Khoản 5, Điều 138.
Về phần F, nếu như F chứng minh được mình đã được hội đồng thành viên chấp nhận với tư cách là thành viên hợp danh thì F mới có thể chuyển số vốn góp nhận được từ việc thừa kế của A cho G chỉ khi được các thành viên hợp danh còn lại là B và C chấp thuận.
Xét trường hợp trong Điều lệ công ty có quy định nếu thành viên hợp danh đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình cho một thành viên khác thì thành viên hợp danh đó bị mất tư cách thành viên hợp danh.
Đối với trường hợp này thì F không còn tư cách thành viên hợp danh của công ty và F vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ vì từ thời điểm F bị mất tư cách thành viên hợp danh thì công ty hoạt động chưa được 2 năm và số nợ này phát sinh trước khi A bị mất tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại Khoản 3, Điều 138.
Xét trường hợp nếu Điều lệ công ty không quy định việc thành viên hợp danh đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình cho thành viên khác sẽ bị mất tư cách thành viên hợp danh.
Khi đó F đương nhiên vẫn là thành viên hợp danh của công ty vì thế phải có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 134. Vì thế việc các chủ nợ đòi F phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ là hoàn toàn hợp pháp.
Đối với G trong tình huống có nêu rõ, G đã được hội đồng thành viên chấp nhận là thành viên hợp danh với số vốn góp được F chuyển nhượng cho. Căn cứ theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 134 thì G có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty. Vì thế các chủ nợ đòi G là đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với D trong tình huống cũng đã nêu rõ, D đã được hội đồng thành viên chấp nhận cho trở thành thành viên hợp danh. Căn cứ theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 134 thì D phải có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty. Vì vậy các chủ nợ đòi D là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Kết luận: Ở tình huống nêu trên việc đòi hỏi của các chủ nợ bắt E, F, G, D phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các khoản nợ của công ty cùng B với C là hoàn toàn đúng pháp luật.