Ngày pháp luật

Trà Thái Nguyên: Xứng danh “Đệ nhất danh trà”!

Lâm Quỳnh

Thái Nguyên nổi tiếng với danh xưng “Đệ nhất danh trà”. Sản phẩm của tứ đại danh trà: Tân Cương (TP.Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Khe Cốc (huyện Phú Lương), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ) cùng nhiều vùng trồng chè trong tỉnh với các loại trà hảo hạng đã khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và thế giới.

Trăm hoa khoe sắc…

Không chỉ có các loại sản phẩm chè đinh, chè tôm nõn, chè túi lọc, kẹo lạc trà xanh, bột trà xanh non, Thái Nguyên còn được biết đến với các loại trà sen, trà nhài quyến rũ. Những năm gần đây, sản phẩm trà Thái Nguyên kết hợp với nhiều loại hoa có tinh chất thảo dược đã tạo ra những dòng sản phẩm bất ngờ và ấn tượng. Khác với loại trà làm từ hoa thông thường, thức uống mới này gồm có trà Thái và hoa. Các loại hoa đều khá phổ biến và được trồng, thu hái, chế biến theo các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn nông sản sạch. Công nghệ sấy lạnh và phương thức bảo quản mới giúp hoa lưu giữ hương thơm, dinh dưỡng cũng như màu sắc trong thời gian khá dài.

Trà Thái Nguyên: Xứng danh “Đệ nhất danh trà”!  - Ảnh 1

Mỗi vùng đất khác nhau sản xuất ra các loại trà khác nhau, cách thức thưởng trà cũng khác nhau, tạo ra những nền văn hóa trà khác nhau. Tại Việt Nam, tùy thuộc vào mỗi vùng đất, sản sinh ra các văn hóa trà khác nhau như văn hóa trà  Thái Nguyên, Lâm Đồng, Tuyên Quang… Nhìn ra thế giới, văn hóa trà của Trung Quốc, Nhật Bản… cũng có bản sắc, đặc thù riêng, từ cách chăm sóc, chế biến, thưởng trà…

Thực tế, ông Nguyễn Ngọc Tuân – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thái Nguyên cho hay: Cách thưởng trà của Thái Nguyên không có sự khác biệt lớn so với các vùng khác của Việt Nam. Tuy nhiên, cách chế biến, đặc biệt là điều kiện tự nhiên của Thái Nguyên có sự khác biệt so với các vùng khác, từ đó tạo ra các sản phẩm trà rất nổi tiếng. Về sản lượng, Thái Nguyên đứng thứ hai toàn quốc với  22.000ha trà (chỉ đứng sau Lâm Đồng) nhưng chất lượng trà của địa phương là số 1. Nếu như Lâm Đồng chuyên về sản xuất trà đen xuất khẩu sang châu Âu thì Thái Nguyên thiên về trà xanh. Gần đây, Thái Nguyên có xu hướng đa dạng hóa các sản phẩm để thúc đẩy hơn nữa ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh.

Trà Thái Nguyên: Xứng danh “Đệ nhất danh trà”!  - Ảnh 2

Đối với Thái Nguyên, khái niệm văn hóa trà không phải mới mà được sử dụng hàng ngày, đặc biệt là sau festival trà lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011, khái niệm này càng trở nên phổ biến. Cũng không phải năm 2011 mới xuất hiện văn hóa trà Thái Nguyên mà nó tồn tại từ xa xưa, từ khi cây trà xuất hiện tại Thái Nguyên. Nhưng sau khi festival trà được tổ chức, khái niệm đó được cụ thể hóa và ngày càng phổ biến, được các cấp chính quyền địa phương và người dân quan tâm hơn.

Lan tỏa văn hóa trà ra cộng đồng!

Bất cứ người dân Thái Nguyên nào cũng đều tự hào về nền văn hóa truyền thống của mình. Trà Thái Nguyên là sản phẩm nổi tiếng nhất của tỉnh, vì địa phương được thiên nhiên ưu đãi điều kiện về thổ nhưỡng vô cùng đặc biệt, tạo nên một chất lượng trà không tỉnh thành nào sánh được. Thế nên mới có cụm từ “Chè Thái, gái Tuyên”.

Nhận thức được tầm quan trọng và thế mạnh đặc biệt này, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân cho hay: Tỉnh ủy và UBND luôn nhận thức sâu sắc và có chủ trương thúc đẩy, tạo mọi điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp mũi nhọn này. Không chỉ phát triển trong ngành nông nghiệp, Thái Nguyên muốn mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp chế biến và du lịch, cụ thể ở đây là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Tất cả những thứ đó đều sẽ được gắn với cây chè. Bởi phát triển cây chè không riêng gì trong ngành nông nghiệp mà còn có ý nghĩa với cả ngành du lịch, văn hóa, công nghiệp chế biến…

Trà Thái Nguyên: Xứng danh “Đệ nhất danh trà”!  - Ảnh 3

“Hiện địa phương đang tập trung phát triển theo hướng đó và chúng tôi hy vọng, cũng như hoàn toàn tin tưởng vào nhận định và thành công của hướng đi đúng đắn này. Lãnh đạo các thời kỳ, ngành nghề, lĩnh vực của tỉnh đều rất quan tâm đến sự phát triển của cây chè cũng như mong muốn lan tỏa rộng rãi văn hòa trà ra cộng đồng.

Với trách nhiệm của một lãnh đạo đương nhiệm của ngành văn hóa, tôi phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy tinh thần, chủ trương đó bằng những việc làm cụ thể như: Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức festival trà Thái Nguyên lần thứ 4. Đây là một kênh, diễn đàn để quảng bá các thương hiệu, văn hóa trà. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đang xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và gắn liền với các vùng sản xuất, chế biến trà. Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã, đang và sẽ tổ chức các hội thi tìm hiểu về văn hóa trà, cách thức chế biến trà, tiêu thụ làm sao, sản xuất thế nào để đảm bảo chất lượng trà để có nhiều người hơn biết đến, tự hào về sản phẩm truyền thống đặc sắc của quê hương mình. Và chúng tôi sẽ triển khai nhiều chương trình khác, với mục đích nâng cao hơn nữa giá trị của cây chè, văn hóa trà của tỉnh nhà cũng như đất nước mình!” – ông Nguyễn Ngọc Tuân khẳng định.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thái Nguyên cũng tự hào cho biết: Nếu như trước festival trà Thái Nguyên lần đầu tiên được tổ chức, giá trị của cây chè chỉ tầm 200.000 - 250.000đồng/kg, nhưng sau đó dần tăng lên, đặc biệt sau khi Thái Nguyên mời các tổ chức quốc tế sang tham dự festival trà, tỉnh đã có những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị các sản phẩm lên tới 5 - 7 triệu đồng/kg, thậm chí trên 10 triệu/kg. Các sản phẩm trà Thái Nguyên được dùng là sản phẩm phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN. Phấn khởi hơn khi trà Thái Nguyên là 1/20 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP 5 sao…

 

“Hiện, các sản phẩm trà Thái Nguyên đã trải dài và phủ sóng ở khắp các châu lục trên thế giới. Thái Nguyên cũng đã phát triển và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể trà Thái Nguyên ở các thị trường hàng đầu quốc tế như châu Âu, châu Á. Hiện, tỉnh đang tiếp tục xây dựng thương hiệu cũng như hoàn thiện hồ sơ pháp lý để được công nhận, bảo vệ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại các thị trường lớn tiếp theo. Đó cũng là giải pháp để chúng tôi vừa xây dựng và bảo vệ sản phẩm truyền thống của mình!”…

Tin Cùng Chuyên Mục