Đây là vụ án vừa được TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử Phúc thẩm với kết quả y án bản án Sơ thẩm trước đó mà TAND TP.Hồ Chí Minh đã tuyên. Điều này đồng nghĩa với việc, cả hai cấp tòa đã không chấp nhận những yêu cầu kháng cáo của 5 nguyên đơn trong vụ “Tranh chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất” đối với căn nhà số 1183/17 Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8, TP.Hồ Chí Minh - nơi từng là cơ sở hoạt động cách mạng của biệt động Sài Gòn) do cụ Lê Văn Khương (cha ruột các nguyên đơn) tạo lập trước năm 1955. Đến năm 1960, cụ Lê Văn Khương kết hôn cùng cụ Nguyễn Thị Sáng và sống chung tại căn nhà này.
Theo các đồng nguyên đơn, năm 1990, sau khi cụ Lê Văn Khương qua đời, ông Nguyễn Văn Thanh (con riêng cụ Sáng) và vợ là bà Lê Thị Thêm (thường trú tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) gặp cảnh khó khăn, không nơi nương tựa nên được cụ Nguyễn Thị Sáng thương xót cho ở nhờ một góc sàn phía sau nhà với diện tích khoảng 15m2.
Tháng 11/2012, vợ chồng ông Thanh, bà Thêm chuyển đi chỗ ở nhà mới và rao bán ngôi nhà này. Những người con của cụ Khương vì không muốn để cho người ngoài vào ở trong khuôn viên nhà gia đình nên đã thương lượng hỗ trợ mua lại với giá 300 triệu đồng nhưng vợ chồng ông Thanh bà Thêm không đồng ý nên xảy ra tranh chấp.
Ngày 4/6/2013, bà Lê Thị Thu Hà (con gái cụ Khương) có nộp đơn khiếu nại đến UBND phường 5 (quận 8) liên quan đến phần đất tại căn nhà số 1183/17 Phạm Thế Hiển. Ngày 7/6/2013, UBND phường 5 đã mời đến hoà giải lần thứ nhất nhưng không thành.
Khi UBND phường 5 thông báo mời các bên đến hòa giải lần thứ hai vào ngày 25/6/2013 thì trước đó (ngày 24/6/2013), vợ chồng ông Thanh đã tự ý ký hợp đồng bán căn nhà số 1183/9/6 Phạm Thế Hiển (trong khuôn viên căn nhà số 1183/17) cho ông Nguyễn Văn Lân và bà Dương Thị Mỹ Lan. Mãi đến thời điểm này, những người con cụ Khương mới biết vợ chồng ông Thanh, bà Thêm đã được cấp GCN.
Có thể nói, việc ông Thanh, bà Thêm bán nhà, đất trong thời kỳ tranh chấp đã vi phạm Điều 15 Luật Đất đai 2003 và điều 91 Luật Nhà ở năm 2005. Tuy nhiên, cả hai cấp Toà đã không xem xét làm rõ vấn đề này nên một hành vi trái với quy định của pháp luật vẫn được thực hiện trót lọt.
Ngoài ra, vợ chồng ông Thanh, bà Thêm khai với Toà rằng, năm 1987, do cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên lên tá túc nhà cha dượng (cụ Lê Văn Khương) tại căn nhà số 1183/17 Phạm Thế Hiển. Vài tháng sau, do căn nhà cha dượng quá chật chội nên vợ chồng ông Thanh đã ra ở riêng và miếng đất này là do tự lấn, chiếm kênh rạch. Trong khi UBND quận 8 lại cho rằng, thửa đất cấp cho vợ chồng ông Thanh là “thửa đất có nguồn gốc do ông Lê Văn Khương cho ông Nguyễn Văn Thanh và bà Lê Thị Thêm vào năm 1990” (không có giấy tờ chứng minh)”.
Như vậy, rõ ràng có sự mâu thuẫn về lời khai của ông Thanh, bà Thêm và UBND quận 8 về nguồn gốc nhà, đất nhưng trong quá trình xét xử, các cấp tòa đã không cho đối chất, xác minh làm rõ tính hợp pháp của quy trình cấp GCN. Cũng như làm rõ việc khai báo “trước sau bất nhất” của bị đơn đối với UBND quận 8 và trước toà...
Trong vụ việc này. các đồng nguyên đơn khởi kiện với 3 yêu cầu: Đề nghị thu hồi, huỷ bỏ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và QSDĐ ở số 3969/2008/GCN do UBND quận 8 cấp cho ông Thanh, bà Thêm ngày 28/2/2008; Huỷ bỏ hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng QSDĐ ở mà ông Thanh và bà Thêm đã ký với ông Nguyễn Văn Lân và bà Dương Thị Lan Mỹ tại VP Công chứng quận 8 ngày 24/6/2013; Yêu cầu ông Thanh, bà Thêm trả lại diện tích nhà đất đã chiếm dụng trái phép cho nguyên đơn.
Tuy nhiên, trong phần xét thấy của cả 2 bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm đã không xác minh rõ nguồn gốc nhà và đất đang bị tranh chấp, tính hợp pháp của GCN cũng như hành vi vi phạm pháp luật mua bán nhà trong thời kỳ tranh chấp mà trong phần quyết định lại bác luôn cả ba yêu cầu trên của nguyên đơn. Những việc làm này đã khiến dư luận hoài nghi về tính khách quan khi đánh giá những chứng cứ xác thực của vụ việc...
(Còn nữa)