Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ thay thế toàn bộ chung cư cũ nguy hiểm trong năm 2019, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây mới thay thế ít nhất 50% chung cư cũ xây trước năm 1975. Tuy nhiên, tiến độ cải tạo, thay thế chung cư cũ trên địa bàn thành phố đến nay vẫn rất ì ạch, đe dọa tính mạng của hàng ngàn hộ dân.
Trước mắt, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho UBND Q.4 thực hiện tái định cư khẩn cấp cho khoảng 600 hộ dân tại 2 chung cư Trúc Giang và Vĩnh Hội (Q.4), trong đó bố trí tạm cho người dân ở tại các căn hộ chưa sử dụng tại Q.4 và huyện Bình Chánh.
Các chung cư này được xác định đã xuống cấp trầm trọng, và đang ở mức độ nguy hiểm cao nhất (xuống cấp trên 50%, cấp độ D). Đồng thời, để bố trí nhu cầu nhà ở lâu dài cho các hộ dân này, UBND TP chỉ đạo Q.4 và giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận bố trí quỹ đất.
Tại huyện Bình Chánh, thành phố cũng chỉ đạo thực hiện bố trí tạm cư cho gần 370 căn hộ tại chung cư Vĩnh Lộc B, vốn đang xuống cấp trầm trọng. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn có 15 chung cư thuộc diện phải di dời khẩn cấp, đều ở mức độ nguy hiểm cao nhất là cấp độ D.
Trong số này, nhiều chung cư nằm ở khu vực trung tâm, với dân cư tập trung đông đúc, như chung cư 128 Hai Bà Trưng; chung cư 155-157 Bùi Viện, chung cư 23 Lý Tự Trọng (Q.1); 11 Võ Văn Tần (Q.3); 440 Trần Hưng Đạo (Q.5); chung cư 137 Lý Thường Kiệt; chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt; 528 Võ Văn Kiệt…
Đặc biệt, tình trạng chung cư 528 Võ Văn Kiệt bị nghiêng 0,45m khiến 38 hộ dân sống tại lô E của chung cư này vừa phải di dời khẩn cấp đã được báo Đại Đoàn Kết phản ánh qua nhiều tin, bài.
Trong thời gian qua, Trung ương đã cho phép TP.HCM phân cấp, phân quyền cho UBND các quận huyện, và TP đã nhiều lần tổ chức hội nghị kêu gọi doanh nghiệp tham gia chương trình xây mới chung cư thay thế chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, TP.HCM đã công nhận chủ đầu tư để xây dựng chung cư mới thay thế cho 6 chung cư, gồm chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3), chung cư 128 Hai Bà Trưng (quận 1), chung cư 134A Lý Chính Thắng (quận 3), chung cư Nakyco (quận Tân Phú), chung cư Thanh Đa (lô IV, lô VI quận Bình Thạnh), chung cư 239 Cách mạng tháng Tám (quận 3).
Tuy nhiên, tốc độ thực hiện vẫn rất chậm. Đến nay mới có 5 chung cư đang thực hiện di dời, trong đó, chỉ có 1 chung cư đã xây dựng thành dự án trung tâm thương mại, 2 chung cư đã cải tạo chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng công việc khó khăn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ là phải di dời, tái định cư cho người dân để có mặt bằng thi công dự án. Để tạo được sự đồng thuận khi cải tạo chung cư cũ, người dân cần biết vị trí căn hộ tái định cư tại chỗ, chi phí phát sinh phải tính mức giá như thế nào đối với diện tích lớn hơn.
Suất tái định cư này có được phép chuyển nhượng hay không… thực tế chưa có cơ chế ràng buộc. Làm sao để mọi người tuân theo, không phải ra mức giá bồi thường rồi mọi người lại khiếu kiện, đòi giá cao hơn các mức giá bồi thường của thị trường.
Trên thực tế, để tạo được sự đồng thuận của người dân không dễ. Luật quy định phải lấy ý kiến và 100% người dân đồng thuận mới tiến hành phá dỡ và cải tạo. Đây là trở ngại cho công tác chỉnh trang đô thị.
Theo HoREA, nếu có được 70-80% người dân đồng thuận, có thể triển khai dự án cải tạo chung cư cũ. Do đó, nội dung này cần sửa đổi theo hướng chung cư sẽ được xây dựng lại khi có tối thiểu 80% chủ sở hữu tại đây thống nhất tại hội nghị nhà chung cư. HoREA cũng đã từng gửi văn bản đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 101 nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, như việc cho phép thực hiện xây dựng lại đơn lẻ đối với chung cư nguy hiểm.
Hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch và dân số của dự án tại khu vực trung tâm, ranh giới, quy mô sử dụng đất, đặc biệt phần diện tích được áp dụng cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.