Ngày pháp luật

TP HCM: Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng được Bất động sản Phát Đạt đầu tư bị thu hồi, chuyển sang đầu tư công

Đoàn Chi

Nhà đầu tư của dự án là Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) và Tổng công ty đền bù giải toả theo Quyết định số 01/QĐ-UBND của UBND TP HCM được ban hành đầu năm 2018.

Khu đất xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng bỏ hoang nhiều năm.
Khu đất xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng bỏ hoang nhiều năm.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng tại số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3 theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) để chuyển sang đầu tư công.

Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng được cơ quan quản lý chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và triển khai vào tháng 3/2010.

Đây là một trong số ít các dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai theo hợp đồng BT sau khi phương thức này bị dừng từ năm 2019.

Ban đầu, dự án có mức đầu tư là 988 tỷ đồng, với thiết kế 7 tầng nổi và 3 tầng hầm, xây dựng trên khu đất hơn 14.400m2 với 4 mặt tiền đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu. Theo hợp đồng, thành phố thanh toán khu đất 257 Trần Hưng Đạo ở quận 1 cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, năm 2013, công trình đội vốn lên hơn 1.352 tỷ đồng. UBND TP HCM đã bổ sung thêm khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt ở quận 1 để thanh toán cho nhà đầu tư. Vốn đầu tư khả thi của dự án tiếp tục tăng lên hơn 1.953 tỷ đồng vào năm 2016, tăng gấp đôi so với ban đầu và TP HCM tiếp tục phải bổ sung thêm đất để thanh toán hợp đồng.

Các khu đất được đề xuất để thanh toán hợp đồng BT cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng gồm 257 Trần Hưng Đạo, Phan Văn Đạt, 181 Điện Biên Phủ và số 72/2B Võ Văn Ngân ở TP Thủ Đức.

Nhưng ngoài khu đất ở đường Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng phê duyệt để thanh toán cho dự án, các khu còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công.

Cuối năm ngoái, UBND TP HCM đã lập tổ công tác liên ngành do Sở Kế hoạch và đầu tư làm tổ trưởng, cùng các sở liên quan như Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Tài chính, Văn hóa thể thao, Tư pháp để giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án này.

Ông Mãi chỉ đạo cùng với việc dừng dự án theo phương thức BT, Sở Kế hoạch và đầu tư, Văn hóa thể thao làm việc với liên danh Công ty Phát Đạt và Tổng công ty đền bù giải toả xem xét cơ sở pháp lý, rà soát công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí để đàm phán, xử lý dứt điểm theo nguyên tắc hợp lý, hài hòa.

Chủ trương đầu tư mới dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo phương thức đầu tư công, thành phố dự kiến sẽ trình HĐND TP HCM vào kỳ họp tháng 7, nguồn vốn được bố trí trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty Phát Đạt mới đây, trả lời cổ đông về tiến độ dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt cho biết, công ty mong muốn tiếp tục làm dự án và theo quy định luật hiện hành, công ty vẫn đủ điều kiện làm tiếp. Nhưng doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, vẫn chờ để làm việc với các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm nay, Công ty Phát Đạt phát sinh hơn 77,1 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với dự án này. Số tiền này không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng có góp gần 17,5 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Công trình PĐP (Công ty PĐP) được thành lập với 2 thành viên trở lên từ năm 2018, vốn điều lệ 300 tỷ đồng với dự án chính là nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Tại ngày 31/3, Công ty Phát Đạt đã góp gần 17,5 tỷ đồng trên số vốn cần góp là 147 tỷ đồng vào Công ty PĐP. Phát Đạt cam kết góp thêm 129,5 tỷ đồng vào Công ty PĐP để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 49%.

Trong năm 2023, theo báo cáo thường niên, Công ty Phát Đạt cũng có góp thêm hơn 3,66 tỷ đồng vào Công ty PĐP để tăng giá trị đầu tư lên 16,7 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ lũy kế gần 211 triệu đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục