Trong kế hoạch mới được công bố ngày 8 tháng 5, Toyota Motor cho biết họ sẽ sản xuất tổng cộng 10,4 triệu chiếc xe trên toàn cầu, bao gồm cả những chiếc đến từ thương hiệu xe sang Lexus trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023).
Mục tiêu sản xuất của Toyota trong năm tài chính 2021 chỉ là 9,5 triệu chiếc. Trong khi đó theo tài liệu nội bộ của Nikkei Asia, sẽ có 7,1 triệu chiếc xe được sản xuất ở nước ngoài và 3,3 triệu chiếc được sản xuất ở Nhật Bản trong năm tài chính tới. Theo đó, sản lượng xe Toyota sản xuất ở nước ngoài sẽ tăng khoảng 10%, trong khi sản lượng ở Nhật Bản tăng 3%.
Kế hoạch này đánh dấu lần đầu tiên sản lượng của Toyota vượt mốc 10 triệu đơn vị. Gã khổng lồ ô tô Nhật Bản kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại hai thị trường Trung Quốc và Mỹ sẽ thúc đẩy thị trường ô tô, trong bối cảnh vắc-xin Covid-19 được triển khai rộng rãi.
Tại Trung Quốc, Toyota có kế hoạch tăng sản lượng xe điện và các loại xe năng lượng mới khác. Công ty sẽ kết hợp với đối tác liên doanh Tập đoàn ô tô Quảng Châu để nâng công suất nhà máy vào năm 2022.
Tại Mỹ, nơi vắc-xin đang được triển khai rộng rãi, Toyota sẽ phối hợp cùng Mazda để cùng nhau mở một nhà máy mới ở bang Alabama trước khi năm tài chính 2021 kết thúc.
Toyota cũng cho rằng đến thời điểm năm 2022, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu sẽ được khắc phục. Hãng cũng đã thông báo cho các nhà cung cấp chính về kế hoạch sản xuất của mình. Các nhà cung cấp sẽ hình thành chiến lược đầu tư của họ cho đến năm tài chính 2022 dựa trên thông tin này.
Vào năm 2020, Toyota đã vượt qua Volkswagen về doanh số để giành lại ngôi vị nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới lần đầu tiên sau 5 năm. Hãng xe Nhật Bản quyết tâm giữ vững vị trí này, trong thời điểm bắt đầu bước vào kỷ nguyên xe điện.
Việc đặt mục tiêu sản xuất xe số lượng lớn đem đến lợi thế cho Toyota trong việc mua sắm pin và động cơ xe điện mới bởi các nhà cung cấp phụ tùng ô tô thường thích làm việc với các khách hàng có đơn đặt hàng lớn.
Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đang khiến nhiều nhà sản xuất ô tô phải giảm sản lượng của các nhà máy. Tuy nhiên một giám đốc điều hành cấp cao của Toyota cho biết công ty hy vọng nguồn cung chip sẽ "được bình thường hóa vào năm tới và sẽ không có tác động nào" đến sản lượng.
Toyota cũng từng đối mặt với tình trạng thiếu cung chip nghiêm trọng sau trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản. Tập đoàn từ đó đã bắt đầu có kế hoạch dự trữ các bộ phận ô tô trên toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó có chip bán dẫn.
Kế hoạch dự phòng này có vẻ đã giúp Toyota chịu ít tác động hơn so với các đối thử như Volkswagen và General Motors trong cuộc khủng hoảng chất bán dẫn gần đây.