Top 10 DN niêm yết uy tín năm 2016 đều là những DN có kết quả hoạt động kinh doanh khả quan, quản trị tốt hình ảnh và tạo hiệu ứng truyền thông tích cực trong năm 2015-2016.
Theo thống kê dữ liệu xếp hạng các DN niêm yết, đa phần các DN trong Top 10 đều là những DN lớn, có doanh thu và lợi nhuận sau thuế liên tục dẫn đầu ngành hoạt động, có chỉ số ROA, ROE cao hơn trung bình ngành, và giá cổ phiếu có xu hướng tăng trong giai đoạn 3-6 tháng gần đây.
Đứng đầu Bảng xếp hạng là Công ty CP Sữa Việt Nam, tiếp đến là Công ty CP FPT, Tập đoàn VinGroup - CTCP, Công ty CP Tập đoàn hóa chất, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty CP Thế giới di động, Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP, Công ty CP Hạ tầng đầu tư kỹ thuật TP. HCM, Công ty CP Nhựa Bình Minh. Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2.
“Xét về tiêu chí truyền thông, có thể nói, Top 10 DN niêm yết uy tín năm 2016 là những tên tuổi “không thể không biết đến” của truyền thông Việt Nam...”, đại diện Vietnam Report nhận định.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông cho các DN niêm yết, theo gợi ý của các chuyên gia Vietnam Report, các DN cần quản trị tốt hình ảnh trên truyền thông, phải đảm bảo tỷ lệ thông tin hợp lý, đa dạng chủ đề sẽ giúp lan tỏa hình ảnh DN.
Theo đó, để quản trị tốt hình ảnh trên truyền thông cần chủ động luồng tin từ DN. Cụ thể, DN cần đảm bảo tối thiểu 1/3 thông tin được phát ngôn từ phía DN (ngoài những bài báo nhận định, phân tích, đánh giá của báo chí và các chuyên gia kinh tế), đặc biệt với các thông tin về hoạt động và kế hoạch kinh doanh, tránh tình trạng tin đồn vô căn cứ có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý và quyết định của nhà đầu tư.
Nghiên cứu của Vietnam Report và các đối tác cho thấy, để được đánh giá cao trên truyền thông, DN cần đạt được một tỷ lệ thông tin tích cực và tiêu cực nhất định, đặc biệt không để thông tin tiêu cực xuất hiện quá lâu trên truyền thông hay trở thành một ví dụ điển hình cho sự thất bại (tối đa 10% tin tiêu cực) và thay thế bằng các thông tin tích cực bao trùm nhiều khía cạnh: kết quả kinh doanh, sản phẩm, trách nhiệm xã hội, lãnh đạo DN... (tối thiểu 20% tin tích cực).
Thực tế cho thấy, các DN thời gian gần đây dường như đã chú trọng hơn tới hiệu quả truyền thông, do đó tin tức về DN ngày càng đa dạng, bao phủ nhiều nhóm chủ đề khác nhau.
Theo thống kê của Vietnam Report, FPT là DN có thông tin đa dạng nhất trên truyền thông với 19/24 nhóm chủ đề, bao gồm: Chiến lược kinh doanh, Quan hệ khách hàng/ bán hàng, kết quả kinh doanh, nhân sự, hình ảnh/ PR, đầu tư, quản trị, vị thế, nghiên cứu, chính sách, giá cả, sản phẩm, nghiên cứu phát triển, báo cáo, lương thưởng, trách nhiệm xã hội/ tài trợ, cổ phiếu ...
“Rõ ràng, để xây dựng uy tín trên truyền thông, DN không cần xuất hiện tràn lan quá nhiều trên các mặt báo, mà xuất hiện vừa đủ, không chỉ với các bài viết mang tính chất PR đơn thuần, mà thông tin cung cấp phải cân đối.
Với nguồn vốn, nhân sự, thời gian và chiến lược thích hợp, DN hoàn toàn có thể chủ động xây dựng chiến lược truyền thông và kế hoạch ứng phó “dự phòng” với bất kỳ cuộc khủng hoảng truyền thông nào có thể xảy ra, nhờ đó bảo vệ và phát triển uy tín trở thành một tài sản có giá trị đối với DN Việt, đặc biệt là các DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay...”, Báo cáo của Vietnam Report nhận định.
Được biết, đây là năm thứ hai Vietnam Report công bố Top 10 DN niêm yết uy tín. Vietnam Report đã lựa chọn và tiến hành phân tích nhóm DN niêm yết có giá trị vốn hóa cao và xếp hạng Top 10 dựa trên 3 tiêu chí: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính (cập nhật đến nửa đầu năm 2016), được so sánh với các DN trong cùng ngành hoạt động (chiếm trọng số 40% điểm);
Uy tín trên truyền thông của DN theo phương pháp Media Coding, mã hóa các bài báo viết về DN trên các trang báo chuyên ngành từ tháng 7/2015 đến tháng 10/2016 (chiếm trọng số 40% điểm); và nhận định của chuyên gia, Analyst Coding về tiềm năng tăng trưởng giá cổ phiếu và mức độ ảnh hưởng đến sự biến động của chỉ số VNindex (chiếm trọng số 20% điểm)