Ngày pháp luật

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Đề nghị cho phép khởi kiện báo cáo kiểm toán ra tòa

Theo Linh Anh/Trí Thức Trẻ

Giải trình trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc mong muốn Quốc hội cho phép các bên liên quan khởi kiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước ra tòa.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Đề nghị cho phép khởi kiện báo cáo kiểm toán ra tòa - Ảnh 1

 

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhắc tới quy định cho phép các đơn vị liên quan được quyền khiếu nại báo cáo Kiểm toán Nhà nước. Đây là điều đã được quy định trong Luật Khiếu nại. Tuy nhiên, ông Phớc đề nghị cho các đơn vị liên quan được quyền khiếu nại với báo cáo Kiểm toán Nhà nước.

"Nếu được Quốc hội cho phép, báo cáo kiểm toán nhà nước có thể được đưa vào tố tụng dân sự. Có nghĩa là, các đối tượng bị kiểm toán có quyền khởi kiện báo cáo kiểm toán ra tòa", ông Phớc tiếp thu ý kiến mà các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận.

Về quy định thực hiện phòng chống tham nhũng, ông Phớc nhận định cần bổ sung các quy định về thực hiện phòng chống tham nhũng cho Kiểm toán Nhà nước. Điều 62 của Luật Phòng chống tham nhũng quy định nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo xác minh làm rõ theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Phớc muốn đưa quy định này vào trong Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi để Tổng Kiểm toán có thể quy định về trình tự xác minh, tránh trường hợp bị kiểm toán viên lợi dụng. Việc đưa quy định này vào Luật cho phép Tổng kiểm toán có thể đưa ra những quy định cụ thể rõ ràng hơn để chống tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Về Giám định tư pháp, ông Phớc cho rằng đây là yêu cầu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Trên thực tế, các Cơ quan điều tra liên tục đề nghị KTNN tham gia giám định tư pháp. Tuy nhiên, khi đối chiếu vào Luật Giám định tư pháp, KTNN không có quyền này nên buộc phía KTNN phải từ chối.

"Kiểm toán nhà nước là cơ quan có trình độ chuyên môn cao trong vấn đề Tài chính, Kế toán, Ngân sách. Tôi nghĩ nếu được Quốc hội giao, chúng tôi sẵn sàng sàng đảm trách nhiệm vụ này bởi đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian nan và chắc là ít cơ quan muốn đảm nhiệm", ông Phớc nói.

Về Bổ sung quy định về quyền xử phạt hành chính, KTNN sẽ không tiến hành xử phạt với công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập bởi đã có Luật Cán bộ công chức, viên chức điều chỉnh. Kiểm toán sẽ xử phạt hành chính với việc xử phạt cản trở không cung cấp hồ sơ tài liệu. Chúng tôi sẽ tuân thủ Nghị định của Chính phủ ban hành.

Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đều giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước xử phạt hành chính với các hành vi này. Thậm chí ở Hàn Quốc, Tổng Kiểm toán có quyền phạt tù tới 6 tháng", ông Phớc nêu ví dụ.

Về thẩm quyền ban hành văn bản Quy phạm Pháp luật của Tổng Kiểm toán, cơ quan soạn thảo chỉ đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng chứ không phải các lĩnh vực khác.

Về quyền truy cập dữ liệu điện tử và phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán, ông Phớc nhấn mạnh đây là quy định rất cần thiết bởi trong CMCN 4.0, thanh toán bằng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, số hóa và lưu trữ điện tử rất phổ biến.

"Các quốc gia trên thế giới đều thực hiện việc truy cập dữ liệu điện tử thông qua phần mềm ứng dụng trong hoạt động kiểm toán. Chúng tôi có xu hướng làm sao kiểm toán viên nhà nước có thể kiểm toán mà không cần xuống đơn vị, tránh tiếp xúc tối đa giữa kiểm toán viên với đối tượng kiểm toán", ông Phớc nói.

Tuy nhiên, trước những lo ngại liên quan đến bí mật nhà nước hay bí mật doanh nghiệp, ông Phớc cho biết việc truy cập chỉ có thể diễn ra khi có sự đồng ý của cơ quan, đơn vị kiểm toán. Kiểm toán được tiến hành theo luật và phần nào được kiểm toán thì kiểm toán viên chỉ có thể truy cập phần ấy.

Về các đối tượng liên quan, ông Phớc mong muốn cụ thể hóa những đối tượng liên quan trong luật là đối tượng có sử dụng tài chính công và tài sản công hoặc những đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Tin Cùng Chuyên Mục