Ngày pháp luật

Tổng giám đốc Thương mại và Khoáng Sản Hoàng Phúc (HPM) xin từ nhiệm; HPM "trắng" lợi nhuận nửa đầu năm 2023

An Minh

Theo giải trình của HPM, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế nên việc mua bán thiết bị y tế và các sản phẩm từ đá bị dừng lại, Công ty không phát sinh doanh thu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng Giám đốc công ty xin từ nhiệm sau nửa năm ngồi "ghế nóng"

Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Khoáng Sản Hoàng Phúc (mã ck: HPM) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn đề nghị thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị Công ty của ông Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1973).

Cụ thể, vào ngày 06/09, ông Nguyễn Trường Sơn đã nộp đơn tới Hội đồng quản trị HPM đề nghị được thôi giữ chức Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị Công ty kể từ ngày 30/09/2023. Lý do ông đưa ra là “vì có việc cá nhân, không thể tiếp tục làm việc tại Công ty”.

Đáng chú ý, ông Sơn mới được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc HPM từ ngày 01/03/2023 và được bầu vào vị trí Thành viên Hội đồng quản trị Công ty tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 10/05/2022.

Như vậy, chỉ sau hơn nửa năm ngồi ghế Tổng Giám đốc, ông Sơn đã nộp đơn từ nhiệm. Hiện, ông Sơn không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HPM nào. 

Công ty Khoáng sản Hoàng Phúc được thành lập tháng 08/2008 với vốn điều lệ ban đầu 8 tỷ đồng. Hoạt động chính của công ty là trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại màu và khai thác cát, sỏi, đất sét, bán buôn vật liệu, nhựa đường... 

Sau lãi khủng năm 2022, nửa đầu năm 2023, HPM "trắng" lợi nhuận

Năm 2022 được cho là năm kinh doanh gây ấn tượng với HPM khi công ty lập đỉnh doanh thu ở 90,6 tỷ đồng, gấp 21 lần kết quả của năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở 14,3 tỷ đồng, trong khi năm trước đó, tăng 70 lần so với khoản lãi 249 triệu đồng có được vào năm 2021. Kết quả này giúp công ty vượt qua lỗ lũy kế trước đó.

Kết quả ấn tượng trên có được do HPM mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang hoạt động kinh doanh vật tư, thiết bị y tế với các đối tác thương mại, trong khi hoạt động khai khoáng bị trì hoãn.

Với đà tăng mạnh có được từ năm 2022, năm 2023, Công ty kỳ vọng doanh thu đạt 215 tỷ đồng và lãi trước thuế 32 tỷ đồng, tăng tương ứng 136% và 68% so với thực hiện năm 2022.

Tổng giám đốc Thương mại và Khoáng Sản Hoàng Phúc (HPM) xin từ nhiệm; HPM "trắng" lợi nhuận nửa đầu năm 2023 - Ảnh 1

Tuy nhiên, báo cáo kinh doanh quý II/2023 của HPM cho thấy kết quả kinh doanh công ty sa sút mạnh.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, công ty không ghi nhận doanh thu thuần. Khoản thu duy nhất của HPM là vỏn vẹn 35.281 đồng từ hoạt động tài chính, đây cũng là khoản chi phí tài chính. Điều này khiến công ty không ghi nhận lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 10,3 tỷ đồng.

Theo giải trình của HPM, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế nên việc mua bán thiết bị y tế và các sản phẩm từ đá bị dừng lại, Công ty không phát sinh doanh thu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện, Công ty đang tích cực đầu tư, khôi phục lại hoạt động mỏ đá vôi Lũng Cùng và dự kiến từ quý III/2023 sẽ cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPM được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa khỏi diện hạn chế giao dịch từ ngày 01/06/2023. Chốt phiên giao dịch ngày 12/9, cổ phiếu HPM niêm yết quanh mức 12.500 đồng/đơn vị. 

Tin Cùng Chuyên Mục