Ngày pháp luật

Tổng Giám đốc BE GROUP và ứng dụng gọi xe của người Việt

Thanh Thanh

Tháng 12/2018, ứng dụng gọi xe “be” với màu áo vàng sọc xanh đen đặc trưng, chính thức ra đời tự tin khẳng định đây là ứng dụng hoàn toàn thuần Việt và có thể trực tiếp cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe hiện có trên thị trường.

Không ngó nghiêng xem hàng xóm làm gì mà có niềm tin mãnh liệt vào việc mình làm; phát triển thành công ứng dụng gọi xe của người Việt, nhưng quả quyết sẽ không ỷ lại việc “người Việt dùng hàng Việt” để kêu gọi sự thông cảm… Đó là những nét chấm phá về Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc BE GROUP, “cha đẻ” của ứng dụng gọi xe “be”…

Tổng Giám đốc BE GROUP và ứng dụng gọi xe của người Việt - Ảnh 1

 Tổng Giám đốc BE GROUP Trần Thanh Hải

Tuân thủ pháp luật để phát triển bền vững

Tháng 12/2018, ứng dụng gọi xe “be” với màu áo vàng sọc xanh đen đặc trưng, chính thức ra đời tự tin khẳng định đây là ứng dụng hoàn toàn thuần Việt và có thể trực tiếp cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe hiện có trên thị trường.  

“Quả thật, kể từ khi có ý tưởng cho đến lúc “be” chào đời là cực kỳ nhanh chóng. Tôi nghĩ có lẽ do hội tụ đủ cả 3 yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa...”- Tổng Giám đốc (TGĐ) BE GROUP Trần Thanh Hải chia sẻ.

Là một startup công nghệ nhưng Trần Thanh Hải không phải là gương mặt mới. Anh được biết đến là đồng sáng lập và nguyên Giám đốc công nghệ VNG; Đồng sáng lập và nguyên TGĐ Fim+, Công ty lớn nhất tại Việt Nam cung cấp ứng dụng xem phim VOD theo yêu cầu; Đồng sáng lập và nguyên TGĐ Vina Data; Chủ tịch HĐQT chudu24.com; Thành viên HĐQT Sacombank Securities. Anh cũng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, đồng sáng lập và cố vấn chiến lược cho rất nhiều công ty khởi nghiệp.

“Xuất thân” từ công nghệ nhưng ngay từ đầu, ứng dụng gọi xe “be” được đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải, một điểm khác biệt rất lớn so với các ứng dụng gọi xe hiện có trên thị trường. Anh lý giải một cách đơn giản: Đi từ điểm A đến điểm B là vận tải, còn công nghệ là phương tiện để tối ưu hóa dịch vụ…

“Chúng tôi chứng minh "be" không phải là công ty công nghệ đơn thuần, mà là công ty vận tải có thể áp dụng được tất cả nền tảng tiên tiến nhất, để tối ưu hóa dịch vụ. Bởi vì nếu chỉ là công ty công nghệ thì sẽ chuyên làm phần mềm kết nối và không được phép định giá, chế tài người tham gia…”- anh Hải chia sẻ. 

Cũng vào thời điểm “be” ra đời, cuộc chiến giữa taxi truyền thống với Grab, một doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ, “nóng” từ mặt báo đến phòng xử mà một trong nhưng nguyên nhân được kể đến là hệ thống pháp luật chưa bắt kịp xu thế công nghệ. Sự xuất hiện của “be” cùng với tuyên bố “be” là công ty vận tải khiến không ít người ngạc nhiên xen chút tò mò.

Hải thẳng thắn: Khi đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải có nghĩa là “be” sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, có nghĩa vụ với tài xế và khách hàng nhiều hơn so với các DN công nghệ khác, kể cả việc xin giấy phép…

“Nếu muốn mở dịch vụ ở các tỉnh, thành, chúng tôi đều phải xuống tận nơi xin giấy phép. Ngoài ra, giá của “be” còn có 10% VAT. Ban đầu, tài xế cũng phản ứng vì chưa hiểu bản chất thật sự, họ quen với cách làm chưa đúng lâu nay và nghĩ rằng chúng tôi thu chiết khấu 35%, nhưng thực tế chỉ là 26,125%.

Tuy nhiên, hãy nhìn vào ngành chuyên chở khách bằng xe dưới 9 chỗ trở xuống đang phát triển 30-40%/năm, trong khi thuế liên quan đến ngành không hề tăng trưởng 30-40%/năm. Nghĩa là Nhà nước đang thất thu thuế từ các đối thủ của taxi, tức các anh mượn danh công nghệ. Chính vì thế, nếu bản thân mình làm việc đúng pháp luật, vì lợi ích nước nhà, chắc chắn mình sẽ phát triển bền vững hơn...”- Trần Thanh Hải quả quyết.

Tổng Giám đốc BE GROUP và ứng dụng gọi xe của người Việt - Ảnh 2

“Be” xác định luôn lấy tài xế làm gốc.  

Chính vì vậy, minh bạch là yếu tố được DN này đặt lên hàng đầu trong các chính sách và quá trình hoạt động, với cam kết mọi hoạt động kinh doanh của “be” đều tuân thủ các quy định của pháp luật: như việc đóng đúng và đủ thuế, sẵn sàng hỗ trợ các đối tác tài xế, hợp tác xã và các DN vận tải trong việc kê khai và đóng thuế cho Nhà nước …

“Bằng việc kinh doanh minh bạch, tuân thủ pháp luật giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành được tối ưu hóa nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến..”- Hải chia sẻ.

Khát vọng và cạnh tranh

Trong câu chuyện với chúng tôi, TGĐ BE GROUP nhắc nhiều đến 2 từ “khát vọng” và “cạnh tranh”. Thành công với nhiều mô hình kinh doanh trước đó nhưng tại sao lại là “be”?

Anh cho biết, cảm hứng đến từ Go-Jek (mô hình khởi nghiệp của Indonesia) bởi nhìn thấy niềm tự hào dân tộc cực kỳ lớn từ ông chủ của thương hiệu này vốn là con nhà binh và gia đình có truyền thống yêu nước, khi tạo ra việc làm cho tầng lớp xe ôm đông đảo ở Indonesia. “70% các tài xế được phỏng vấn tại Indonesia trả lời, họ lái cho Go-Jek vì đó là công ty của Indonesia. Từ đó tôi suy nghĩ: Malaysia có Grab, Indonesia có Go-Jek, vậy tại sao Việt Nam không?”- Hải nhớ lại.

Và rồi, tháng 4/2018, đúng lúc Uber rút khỏi Việt Nam, một số anh em trong nhóm tâm huyết ngồi phân tích: Thị trường Việt đủ lớn để có vài “ông” cùng cạnh tranh chứ nếu chỉ còn một thương hiệu bao trùm, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, thao túng và giá sẽ không còn rẻ nữa. Đó cũng là lý do “be” ra đời!

“Sinh sau, đẻ muộn” trong bối cảnh thị trường gọi xe nóng như "đổ lửa", đã có sẵn những tay chơi lớn, song ứng dụng gọi xe hình con ong này có niềm tin mãnh liệt là có cạnh tranh thì mới có phát triển và hơn nữa trong thị trường hơn 100 triệu dân như Việt Nam, chắc chắn sẽ luôn có một tệp khách hàng dành cho “be”. 

“Việc tập trung vào phục vụ khách hàng tốt nhất có thể là phương châm của Be Group. Ngoài ra cách làm việc của tôi vốn không lo ngó hàng xóm mà có niềm tin vào việc của mình. Khi lập kế hoạch thì nó phải đúng đắn, tùy biến và chi phí khôn ngoan. Dĩ nhiên, ai cũng muốn thị phần của mình càng lớn càng tốt.

Nhưng tôi nghĩ, thị trường này đủ to để 2-3 đơn vị cùng cạnh tranh. Tôi kỳ vọng thị trường sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, lớn hơn để ai cũng có một chỗ đứng…”- TGĐ BE GROUP tự tin và cùng bày tỏ mong muốn khung pháp lý sẽ hoàn thiện tốt hơn để bảo đảm quyền lợi và công bằng của tất cả các bên tham gia…

Những “con ong” chăm chỉ…

Sau 5 tháng triển khai, ứng dụng gọi xe “be” đã được tải xuống hơn 2 triệu thiết bị di động với hơn 30.000 Đối tác tài xế tại TP HCM, Hà Nội, đáp ứng gần 200.000 chuyến xe mỗi ngày và “be” đã hoàn thành khoảng 10 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay.

Bên cạnh đó, chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động, “be” đã cán mốc 1 triệu chuyến xe vào tháng 01/2019 trong bối cảnh thị trường ứng dụng gọi xe đang có sự cạnh tranh gay gắt từ những hãng gọi xe nước ngoài. Hiện công ty đang hướng đến mục tiêu thu hút 100.000 đối tác tài xế đến hết năm 2019, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Theo TGĐ BE GROUP, đây là kết quả ngoài mong đợi. “Trong ngành nào cũng thế, chúng tôi tin rằng chất lượng sẽ là yếu tố quyết định việc giữ chân khách hàng ở lại. Khi những chương trình khuyến mãi đi qua, nhưng khách hàng vẫn tự nguyện chi tiền để sử dụng dịch vụ của mình, đó mới là điều quan trọng mà “be” - bằng nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ mỗi ngày luôn mong muốn đạt được…”- ông chủ của những “chú ong” chăm chỉ chia sẻ.

Tự nhận  “be” vẫn còn khá mới và không tránh khỏi những bất cập trong quá trình vận hành, TGĐ  BE GROUP thẳng thắn: “Mặc dù cộng đồng ít nhiều cũng rất ưu ái và thấu hiểu cho chúng tôi, nhưng “be” chắn chắn sẽ không ỷ lại việc “người Việt dùng hàng Việt” để kêu gọi sự thông cảm. Chúng tôi đang từng bước cố gắng tập trung nâng cao chất lượng để làm người tiêu dùng gắn bó bằng sự hài lòng!”.

Và để thực hiện được điều đó, DN này xác định luôn lấy tài xế làm gốc. Với quan niệm: Được lòng khách là do tài xế và mất lòng khách cũng do tài xế, “be” đã, đang và sẽ tiếp tục hướng tới mô hình kinh doanh mà bản thân người tài xế phải ổn định về cuộc sống.

“Chúng tôi tin rằng có một lực lượng tài xế ổn định, gắn bó, trung thành, đồng hành cùng "be" mở rộng thị trường, sẽ giúp cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng…”- Trần Thanh Hải quả quyết và anh lý giải, khi quyền lợi của tài xế gắn liền với sự phát triển của “be”, gắn liền với tiêu chí chất lượng thì họ cũng phải có những ứng xử, hành xử đúng mực, để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng… “Với tôn chỉ đó, “be” tin sẽ nhận được tình cảm của khách hàng, đồng thời bảo đảm cuộc sống của tài xế tốt hơn!”- TGĐ BE GROUP khẳng định.

Song hành cùng hoạt động kinh doanh, “be” còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong việc góp phần tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông, nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng cho người dân.

Đầu tháng 3 vừa qua, BE GROUP đã tặng 1.400 mũ bảo hiểm cho chiến sĩ và nhân dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) và Quảng Yên (Quảng Ninh). Mới đây nhất, ứng dụng gọi xe “be” đã trở thành nhà tài trợ đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam 3 năm (2019-2022).

Theo kế hoạch, trong năm nay “be” sẽ phát triển thêm các dịch vụ khác như giao vận hàng hóa, đồ ăn, thậm chí là nền tảng cho thanh toán, dịch vụ tài chính. Xa hơn, ứng dụng gọi xe này cũng mong muốn mở rộng hoạt động tại nhiều tỉnh, thành khác và tham vọng thử sức ở thị trường nước ngoài, nói như TGĐ BE GROUP là để thế giới biết đến “be” của Việt Nam.

“Chúng tôi cũng mở cửa chào đón những đơn vị phù hợp cùng khai thác chứ không phải "làm tất, ăn cả". Bất kể startup Việt nào có cùng chí hướng thì công ty luôn sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển và hỗ trợ cộng đồng DN Việt…”- Trần Thanh Hải quả quyết…

Tin Cùng Chuyên Mục