Tại họp báo công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp cả nước và địa phương ngày 13/10, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, cuối 2017 Việt Nam có 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 11% so với cùng kỳ 2016.
2017 cũng là năm ghi nhận số doanh nghiệp lập mới tăng 15% so với 2016, đạt 126.859 doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, có tới 60.553 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 50% so với số doanh nghiệp mới thành lập.
"Việc doanh nghiệp thành lập và giải thể là chuyện rất bình thường trong kinh tế thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam không mâu thuẫn nhau", ông Nguyễn Bích Lâm nói khi trả lời câu hỏi của báo chí.
|
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê. Ảnh: Hoài Thu |
Ông Lâm cũng cho rằng, số doanh nghiệp phá sản, giải thể ở Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Để minh chứng, vị này dẫn loạt số liệu doanh nghiệp phá sản của New Zealand trên 80%, Anh trên 60%.
"Ở New Zealand cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới chỉ có 16% tồn tại. Còn ở Việt Nam số doanh nghiệp lập mới tồn tại trên 90%, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản vẫn thấp so với thành lập mới", Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê nói thêm.
Tuy nhiên, vị này cho biết trong quá trình điều tra xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp, ngành thống kê lại chưa điều tra nguyên nhân, lý do vì sao doanh nghiệp Việt phá sản nhiều tới vậy.
Chia sẻ với nhận định của lãnh đạo Tổng cục thống kê, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, cần cái nhìn công tâm về việc doanh nghiệp Việt thành lập và đóng cửa. Tại Việt Nam, tỷ lệ này khá thấp, các nước khác cứ 10 doanh nghiệp thành lập thì có tới 6 doanh nghiệp phá sản. Quan trọng hơn, doanh nghiệp kinh doanh đang vướng mắc, khó khăn gì và làm thế nào để họ gia nhập thị trường, kinh doanh tốt hơn.
"Đúng là vừa qua vẫn còn tư duy các cơ quan xây dựng chính sách chưa kịp đổi mới, lẫn lộn giữa quản lý Nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vô tình đặt ra rào cản, cản trở hoạt động doanh nghiệp. Chính phủ đã có chỉ đạo rồi, cần sự chủ động hơn nữa từ các bộ, ngành", ông nói.
Giải pháp được Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh như là cách để giúp doanh nghiệp Việt Nam bớt khó khăn trong kinh doanh, đó là thể chế, tháo gỡ thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ và liên kết với doanh nghiệp FDI.
Bình luận về điều này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu Chính phủ năm nay là cải thiện thực chất hơn nữa môi trường kinh doanh, để ngay cả doanh nghiệp còn hoạt động hay trong quá trình hoàn thành thủ tục giải thể cũng dễ dàng, thuận lợi.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp công bố lần này là bức tranh phản chiếu sức khoẻ doanh nghiệp xác thực nhất. Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng kết quả bộ chỉ số đánh giá phát triển doanh nghiệp để rà soát, tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh thực chất hơn.
"Nhất định không để đẻ thêm điều kiện kinh doanh mới. Tổ chức thực thi cũng cần thực chất hơn, tránh mở cửa này lại đóng cửa khác", Phó thủ tướng khẳng định.