Báo cáo thường niên năm 2022 của Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã ck: VGC) vừa công bố đã tiết lộ mục tiêu kinh doanh năm 2023 của doanh nghiệp.
Theo đó, năm nay, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 16.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi trước thuế dự kiến giảm 44%, về mốc 1.300 tỷ đồng. Mức chia cổ tức mà VGC đặt ra là 20%, chi trả bằng tiền mặt, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu. Theo Viglacera, kế hoạch kinh doanh năm 2023 được công ty đặt ra trong bối cảnh giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu có xu hướng tăng.
Bên cạnh việc giảm lợi nhuận, năm nay, một mục tiêu quan trọng của Viglacera được đưa ra là thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước theo Quyết định ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025 và chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Công ty cũng sẽ thực hiện lộ trình tái cơ cấu vốn tại các đơn vị theo kế hoạch. Trong đó, hoàn thành tăng vốn tại Công ty ViMariel; tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG); góp vốn đầu tư thành lập CTCP Viglacera Thái Nguyên để triển khai đầu tư, xây dựng, kinh doanh và vận hành khu đô thị, đô thị dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời, VGC sẽ xây dựng phương án trình và triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ để triển khai đầu tư giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày. Dự kiến VGC sẽ nắm giữ 55% vốn điều lệ sau khi tăng vốn.
Ngoài ra, Công ty dự kiến tăng vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera từ 30 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng; góp vốn đầu tư thành lập CTCP Viglacera Hưng Yên; và thành lập chi nhánh Viglacera Yên Bái...
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, công ty tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hoá sản phẩm và đầu tư phát triển vào nhóm sản phẩm mũi nhọn như kính xây dựng, sứ vệ sinh – sen vòi, gạch ốp lát… Viglacera dự kiến triển khai đầu tư Nhà máy kính nổi siêu trắng giai đoạn 2, dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile (nhà máy Mỹ Đức 2) với công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tư mở rộng tại các nhà máy hiện có của các đơn vị thành viên như CTCP Viglacera Hà Nội, CTCP Viglacera Thăng Long, Nhà máy Mỹ Đức tại Bà Rịa-Vũng Tàu…
Về lĩnh vực khu công nghiệp, Viglacera dự định thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai các dự án đầu tư khu công nghiệp như Phù Ninh - Phú Thọ (450 ha, giai đoạn 1 là 150 ha); Phú Hà giai đoạn 2 (100 ha); Khu A Phong Điền - Thừa Thiên Huế (120 ha); Đông Triều - Quảng Ninh (425 ha); Hòa Lạc- Hữu Lũng - Lạng Sơn (490 ha).
Tổ hợp khu công nghiệp và dịch vụ đô thị Tây Phổ Yên - Thái Nguyên (900 ha, trong đó 700 ha khu công nghiệp và 200 ha đô thị dịch vụ); tổ hợp khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại tỉnh Yên Bái (380 ha, trong đó khu công nghiệp Trấn Yên 254 ha, đô thị và dịch vụ 126 ha); tổ hợp khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại tỉnh Hưng Yên (200 ha); tổ hợp khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại Khánh Hòa (khoảng 900 ha).
Viglacera đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số các khu công nghiệp của công ty lên hơn 20 khu công nghiệp với trên 10 khu công nghiệp mới với tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000 ha.
Về lĩnh vực khu đô thị và nhà ở, VGC cho biết sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 đã được Bộ Xây dựng giao. Trong đó, các dự án trọng điểm đang triển khai gồm: Nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong - Bắc Ninh.
VGC cũng dự kiến khởi công mới Nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2 ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4 ha); chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh theo chương trình của UBND TP Hà Nội.
Ngoài ra, Viglacera còn phát triển nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng, vận hành và khai thác các khu công nghiệp, khu đô thị hiện có.