Bộ Xây dựng vừa “xin” Thủ tướng xem xét cho phép Tổng công ty Sông Đà được tham gia thi công một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam theo hình thức chỉ định thầu. Cơ quan này là đại diện chủ sở hữu cổ phần vốn nhà nước tại Sông Đà, nắm giữ 99,7% vốn điều lệ. Theo lý giải của Bộ, điều nhằm phát huy nguồn lực con người, thiết bị sẵn có, kinh nghiệm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, văn bản trên trên một phần cho thấy những khó khăn hiện nay của Sông Đà - một doanh nghiệp từng được nhắc đến như một doanh nghiệp đại diện cho ngành xây dựng, từng góp phần tạo dựng một loạt công trình mang tính biểu tượng.
Tổng công ty Sông Đà có tiền thân là Ban chỉ huy Công trường thuỷ điện Thác Bà, được thành lập giữa năm 1961. 5 lần đổi tên của đơn vị này đều gắn với những công trình thuỷ điện lớn mà họ đã thi công. Và cái tên Sông Đà được hình thành vào năm 1975 khi tổng công ty tham gia xây dựng công trình Thủy điện Hoà Bình - nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á vào thời kỳ đó, có công suất 1.920MW với 8 tổ máy. Sau này, Sông Đà cũng đơn vị xây dựng hầu hết các công trình thuỷ điện khác trên khắp cả nước như Thác Bà, Yaly, Sơn La, Tuyên Quang…
Ngoài thi công xây lắp các công trình thủy điện, Tổng công ty còn mở rộng và phát triển lĩnh vực thi công xây dựng các công trình công nghiệp như nhà máy giấy Bãi Bằng, Hoá chất Việt Trì, Xi măng Bút Sơn, Nghi Sơn, Nhà máy đường Sơn La, Hòa Bình... hoặc các dự án giao thông lớn như Đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân - công trình có độ dài bậc nhất Đông Nam Á.
Dấu ấn của Sông Đà trong giai đoạn này cũng được thể hiện rõ qua những chỉ số tăng trưởng kinh doanh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất kinh doanh bình quân trong 10 năm (2001-2010) là 31%. Năm 2010, doanh thu của đơn vị này đạt 21.500 tỷ đồng, tăng gấp hơn 11 lần so với 2001. Đặc biệt lợi nhuận trước thuế đạt 1.250 tỷ đồng, tăng gấp 57 lần.
Đầu năm 2010 được coi là một bước ngoặt lớn với Sông Đà khi Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm thành lập mô hình tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam ra đời, do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, với sự tham gia của các Tổng công ty Lilama, Dic, Licogi, Coma, Sông Hồng. Đơn vị này tham vọng trở thành nhà sản xuất công nghiệp lớn, đứng trong Top 5 của Việt Nam. Ở mảng tổng thầu xây lắp và Tổng thầu EPC đứng trong Top 5 ASEAN. Tuy nhiên, suốt 2 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn, kết quả kinh doanh của Sông Đà không tăng trưởng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mô hình tập đoàn kinh tế thí điểm đã bộc lộ yếu kém trong sản xuất kinh doanh và quản trị vốn, nhân lực, hiệu quả thu về không tương xứng với nguồn lực được nhà nước giao. Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận việc thí điểm mô hình tập đoàn không thành công. Từ năm 2012, mô hình Tập đoàn Sông Đà bị phá bỏ, Tổng công ty Sông Đà hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tình hình kinh doanh của Sông Đà ngày càng lao dốc thấy rõ. Tại báo cáo cuối năm 2019 của Bộ Tài chính hoạt động đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, không có thêm các hợp đồng mới là nguyên nhân chính khiến việc kinh doanh của đơn vị này gặp khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết năm 2018, kết quả hợp nhất cho thấy doanh thu và lợi nhuận của Sông Đà giảm mạnh. Doanh thu đạt 6.300 tỷ đồng, giảm gần 3.400 tỷ đồng so với 2017. Lợi nhuận kế toán sau thuế cũng chỉ đạt hơn 333 tỷ đồng, giảm 40%.
Chưa kể, đến cuối năm 2019, nợ phải trả của Sông Đà là 11.135 tỷ đồng (khoảng nửa tỷ USD), nợ phải thu cũng lên tới 8.000 tỷ. Công nợ của công ty mẹ chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả với các công ty con và liên kết. Do vậy, mặc dù các chỉ số cho thấy công ty mẹ - tổng công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn nhưng Bộ Tài chính đánh giá vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các công ty con, liên kết gặp khó khăn, không có khả năng trả.
Ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà lý giải, các khoản nợ là một phần tồn tại của giai đoạn trước, kéo dài từ năm 2010-2012 khi doanh nghiệp này hoạt động dưới mô hình tập đoàn. Trong số các khoản nợ này, có những khoản do Sông Đà đứng tên, song có những khoản đã chuyển giao. Theo ông, doanh nghiệp đang nỗ lực đi tìm việc và tính toán trả nợ. Tuy nhiên, tình trạng nợ phải trả tại Sông Đà thực tế kéo dài suốt 4 năm nay vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Đại diện tổng công ty từng thừa nhận kết quả kinh doanh không như kỳ vọng vài năm gần đây do khó khăn trong việc ký thêm các hợp đồng triển khai dự án mới. Đó cũng là nguyên nhân khiến tình hình công nợ chưa được cải thiện trong vài năm qua.
Trong báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý cũng chỉ ra một số khoản đầu tư bị lỗ hoặc mất vốn như Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty Phòng cháy Chữa cháy và Đầu tư Xây dựng Sông Đà, Công ty Sông Đà 12, Cao su Phú Riềng Kratie... Một số khoản đầu tư không mang lại cổ tức, lợi nhuận với tổng giá trị đầu tư là hơn 3.500 tỷ đồng như Công ty Thủy điện Nậm Chiến, Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà, Công ty Điện Việt Lào...
Cũng bởi kinh doanh không hiệu quả nên phiên đấu giá cổ phần tổng công ty sông Đà diễn ra hồi tháng 4/2018 bị coi là thất bại khi sau nhiều lần chào bán cũng đạt tỷ lệ giao dịch thành công thấp, chỉ chưa tới 10 tỷ đồng, ế tới 99,6%. Do đó, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 99% cổ phần tại Sông Đà.
Theo tìm hiểu, cũng bởi khó khăn nên những năm gần đây, doanh nghiệp phải chuyển hết văn phòng về trụ sở tại Nguyễn Trãi (Hà Nội), còn mặt bằng tại đường Phạm Hùng phải dành để cho thuê, đảm bảo nguồn thu.