Ngày pháp luật

Tổng công ty Licogi và bóng dáng của các "ông lớn" tư nhân

Nhật Long

Tổng công ty Licogi với 60 năm lịch sử cùng nhiều khu đất có "vàng" nhanh chóng rơi vào tay tư nhân với cái giá "nhẹ nhàng".

9 tháng đầu năm 2017, Licogi lỗ sau thuế hơn 46 tỷ đồng, lỗ luỹ kế theo đó lên mức 514 tỷ đồng, vượt quá nửa vốn điều lệ (900 tỷ đồng). Sau khi cổ phần hoá, Licogi liên tục thua lỗ, song không hẳn tất cả các cổ đông đều "buồn".

Tổng công ty Licogi có lịch sử hoạt động gần 6 thập kỷ, tiền thân là Liên hiệp các xí nghiệp thi công cơ giới thành lập tháng 8/1960 và Công ty Xây dựng số 18 thành lập tháng 5/1961. Tháng 11/2006, Bộ Xây dựng có quyết định chuyển đổi hoạt động của Licogi theo mô hình mẹ - con. Licogi đã từng là thành viên của Tập đoàn Sông Đà trong hai năm trước khi quay về Bộ Xây dựng quản lý trực tiếp vào tháng 10/2012.

Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Licogi với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, tương đương 90 triệu cổ phần. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm 31,5 triệu cổ phần, chiếm 35% vốn điều lệ, Bộ Xây dựng sở hữu 40% vốn và bán đấu giá công khai 21,27 triệu cổ phần (23,63% vốn).

Mặc dù không nổi bật như những Sông Đà, HUD hay IDICO, song Licogi chưa bao giờ khiến "mẹ" Bộ Xây dựng thấy vọng, với kết quả kinh doanh giai đoạn 2011-2015 khả quan, lợi nhuận luôn ở mức dương, có những năm lãi hơn 100 tỷ đồng như năm 2011 (167 tỷ đồng), năm 2012 (143 tỷ đồng), năm 2013 (101 tỷ đồng).

Ngoài ra, sự hấp dẫn của Licogi còn đến từ lượng đất đai khổng lồ tổng công ty này đang nắm giữ (hơn 1.500.000 m2), đặc biệt phần lớn nằm dưới dạng dự án đã được cấp phép, trong đó phải nhắc tới dự án Khu ĐTM Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội với diện tích 351.618 m2; dự án Khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 TP Hạ Long, Quảng Ninh (332.828 m2); dự án khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 mở rộng (198.603 m2); dự án khu ĐTM Nam Ga – TP. Hạ Long (238.018 m2); dự án Khu dân cư đô thị Yên Thanh – Licogi Yên Thanh Uông Bí, Quảng Ninh (275.672 m2)…

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa nhanh chóng “an bài” khi một nhóm nhà đầu tư thâu tóm thành công quá nửa cổ phần Licogi và với cái giá rất thấp. Trong đợt bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 4/2015, 21,27 triệu cổ phần Licogi được mua với giá 10.006 đồng, cao hơn vẻn vẹn 6 đồng so với mệnh giá.

Trước đó, 35% vốn, tương đương 31,5 triệu cổ phần đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược – Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông với mức giá theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 315 tỷ đồng, cũng chỉ bằng mệnh giá.

Tổng công ty Licogi và bóng dáng của các

 

Như vậy, Bộ Xây dựng, Bất động sản Khu Đông và Đầu tư Gia Cường hiện nắm tới 97,95% vốn của Licogi, trong đó hai cổ đông tư nhân sở hữu 57,24%, chiếm tỷ lệ quá bán, có quyền chi phối doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu của người viết, Công ty Khu Đông hay Gia Cường có liên quan mật thiết đến một tập đoàn bất động sản mới nổi khác trong nước và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Khu Đông từng là một cổ đông của Tập đoàn này. Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường có vốn điều lệ 315 tỷ đồng được thành lập ngày 16/7/2015.

Trong lúc này, 40,71% vốn Nhà nước tại Licogi sẽ sớm được thoái theo kế hoạch. Câu hỏi đặt ra là khi nhóm công ty liên quan tới tập đoàn mới nổi đã nắm tỷ lệ sở hữu quá bán (57,24%), cộng với thực trạng thua lỗ nặng nề (ít nhất là trên giấy tờ), thì liệu 40,71% vốn SCIC chuẩn bị thoái tại Licogi có còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khác, hay sẽ tiếp tục dễ dàng bị thâu tóm như cách đây hai năm?

Bên cạnh đó, vì sao Licogi thua lỗ nặng nề sau khi được cổ phần hoá dù thời gian trước đó luôn kinh doanh có lãi. Trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này ra sao?

Tin Cùng Chuyên Mục