Sẽ có xu hướng bán cắt lỗ 20 - 30% trong vài tháng tới
Dịch bệnh bùng phát cuối tháng 4 đầu tháng 5 có những tác động tiêu cực đến thị trường, trong đó tình trạng bán tháo, cắt lỗ một cách ồ ạt tại nhiều địa phương do nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc cân đối dòng tiền không tốt có thể phải bán cắt lỗ.
Nhận định về tình trạng này, tại toạ đàm “Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?”, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng bán tháo cắt lỗ sẽ không diễn ra như nhiều người lo ngại. Theo ông Hiển, tính thanh khoản bất động sản tại Việt Nam có diễn biến rất kỳ lạ. Thị trường khi có cơ hội sẽ diễn ra tình trạng mua bán ào ào, mức giá nào cũng có người mua và có người bán. Khi thị trường trầm lắng, bất động sản không rớt giá, chỉ khó bán.
Ông Hiển nhấn mạnh, mặc dù tình hình hiện tại đã xuất hiện nhà đầu tư khó khăn trong trả nợ, nhưng không có xuất hiện đổ vỡ hàng loạt của thị trường bất động sản như các nước phát triển khi xảy ra khủng hoảng.
Ông Hiển nói: “Không dùng từ bán tháo, mà chỉ đang có lượng bán mạnh. Đã xuất hiện tình trạng người bán chấp nhận giảm giá sâu từ 20 - 30%. Đơn cử một số thị trường thiên về du lịch như Hội An đang bán giảm giá tới 20 - 30%. Tuy nhiên, người bán không bán đại trà mà tìm người mua thành ý, có năng lực mua. Họ gặp nhau và đàm phán”.
Chia sẻ thêm về thời điểm thích hợp để xuống tiền mua bán bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, không ít người mua và người bán đang chờ đến tháng 10, thời điểm có thể sẽ nới lỏng giãn cách xã hội nếu kiểm soát được dịch tại khu vực phía Nam. Đây cũng là thời điểm mà nhiều công ty dự báo sẽ có đợt thanh khoản “bùng” lên, do những nhà đầu tư sẵn tiền mặt bắt đầu “bắt đáy” thị trường.
Cắt lỗ nhiều nhưng chưa tạo thành sóng
Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group nhận định: “Trong đợt dịch lần thứ tư, việc nhà đầu tư bất động sản cắt lỗ xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, các đợt thoát hàng hiện nay chỉ dừng lại ở mức cắt lỗ kỹ thuật, chưa đến mức bán đổ bán tháo. Sẽ không xảy ra làn sóng bán tháo bất động sản đến hết năm nay. Nếu tình hình dịch bệnh chưa cải thiện, lượng bán có thể sẽ tăng dần, ít nhất từ quý II/2022”.
Lý do đầu tiên, những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp sẽ tính được khả năng nắm giữ tài sản (khả năng chi trả lãi vay và tiền gốc nếu dùng đòn bẩy), thông thường khoảng 12 - 24 tháng.
Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng nhẹ 1,69 lên 1,78%, tuy nhiên mức tăng này vẫn đang ở trong tầm kiểm soát. Báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng cho thấy họ đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng lên do tác động của dịch bệnh, tuy nhiên các khoản nợ xấu này cũng đang được trích lập dự phòng rủi ro.
Nhìn chung, muốn biết làn sóng bán tháo có diễn ra hay không, phải đợi đến quý II/2022. Nhóm nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi khi nhận thấy có thể mua bất động sản với giá rẻ hơn 20 - 30% thì họ hoàn toàn có thể nhảy vào thị trường. Tuy nhiên đến nay chưa xảy ra hiện tượng này, nếu có thì chỉ đơn lẻ chứ chưa phản ánh được toàn bộ thị trường.