Ngày pháp luật

Tội ác động trời trục lợi trên hàng ngàn hài cốt liệt sỹ ở Đồng Nai (kỳ 2)

Nhóm PV

Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam khởi đăng loạt bài điều tra “Tội ác động trời trục lợi trên hàng ngàn hài cốt liệt sỹ ở Đồng Nai” ra ngày 25/7, bài viết thu hút sự đặc biệt chú ý quan tâm của bạn đọc.

Kỳ 2: CHÚNG TÁNG TẬN LƯƠNG TÂM CHỈ “CẢI TÁNG” TẤM BIA CẮM TRÊN MỘ

Hơn 40 năm qua, người từng tự tay chôn cất các đồng đội đã ngã xuống trong trận Xuân Lộc đã phải nhiều lần buộc lòng nói dối với gia đình các liệt sỹ tìm đến thăm mộ. Một số bia mộ nơi nghĩa trang mới, có họ tên quê quán đơn vị, nhưng xương cốt không biết của ai, thậm chí không biết dưới đó có xương cốt hay chỉ là đất đen? Người cựu binh hơn 40 năm nay buồn vì sự việc từng bị bưng bít, day dứt nỗi niềm làm thế nào để trả lại tên cho những người đã khuất?

Tội ác động trời trục lợi trên hàng ngàn hài cốt liệt sỹ ở Đồng Nai (kỳ 2) - Ảnh 1

Ông Lê Văn Thách(phải), người quản trang nghĩa địa tạm năm xưa. Bên trái là ông Phan Ngọc Mậu, Giám đốc Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc, người phát hiện ra tội ác động trời.

Hồi ức đau thương của người quản trang

Tám mươi mốt tuổi, nhưng khi nghe tin có đoàn nhà báo đến tìm hiểu sự việc, ông Lê Văn Thách (SN 1937) chỉ dăm phút sau đã phóng xe máy ào tới. Không một mẩu giấy, không một tấm thư, ông vẫn nhớ vanh vách từng cột mốc thời gian, từng con số, từng sự kiện liên quan. Ông chính là người “quản trang” nghĩa địa tạm năm xưa, từng tự tay chôn cất nhiều liệt sỹ, và đau đớn tột cùng khi biết tin mộ đồng đội bị những kẻ táng tận lương tâm xâm hại.

Khi quân ta mở chiến dịch phá phòng tuyến Xuân Lộc, ông Thách là Phó chính trị viên Long Khánh, được giao nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ thương binh liệt sỹ quân ta về hậu cứ ở Rừng Tráp, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh bây giờ; và nhận tù hàng binh của quân VNCH.

“Mở đầu chiến dịch, lực lượng của ta theo thông báo chiến trường tôi được biết, có quân chủ lực F7 và F341; lực lượng quân khu có F6, sau này tăng cường trung đoàn độc lập 95; và lực lượng tại Bà Rịa - Long Khánh (cũ) có tiểu đoàn 445 và tiểu đoàn công binh 246.

6h sáng ngày 9/4/1975 ta nổ súng, tập trung pháo bắn phá, khống chế toàn bộ thị xã Long Khánh, sau đó các mũi bộ binh tấn công. Quân VNCH cố thủ dữ dội, quân ta thương vong nhiều. Ngay ngày đầu riêng F341 hy sinh khoảng 900 chiến sĩ, F7 hy sinh trên 300 chiến sĩ, bị thương thì nhiều lắm.

Từ chiều ngày 21/4 cho đến hết ngày 27/6 chúng tôi mới bắt đầu làm công tác tổng kết liệt sỹ, có trường hợp hy sinh, thi thể bắt đầu phân hủy rồi, dân mới phát hiện ra đưa về.

Ngày đầu chôn liệt sỹ, chủ yếu chôn theo kiểu tập thể. Đào một hố dài, bó nilon xếp xuống. Tổ phụ trách công tác thương binh liệt sĩ chỉ có sáu người, còn các công việc đào hố bó xác chủ yếu giao tù hàng binh làm. Chôn ở nghĩa trang tạm nay là trụ sở Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc, vốn là khu đất chúng tôi mượn của một bà tên Hương.

Khi chôn, chúng tôi xác định đầy đủ danh tính các liệt sĩ, có làm bia bằng đá hoặc gỗ “căm – xe” đàng hoàng, chôn theo vật dụng cá nhân, tư trang. Sau khi chôn xong có vẽ lại sơ đồ.

Nghĩa trang này là nơi có số lượng mộ lớn nhất chôn cất các chiến sỹ hy sinh trong Chiến dịch Long Khánh. Nên nhớ trong chiến dịch này, quân VNCH giao tranh ngoan cố nhất, sử dụng nhiều loại vũ khí nhất. Ngay cả những vận tải cơ loại lớn C-130 cũng được dùng tấn công. Không quân VNCH đã ứng biến, để chứa bom nặng 350 ký trên loại máy bay đó, rồi thả xuống từ phía sau máy bay và nhận xét rằng dùng theo cách ấy “có thể tạm thời thay thế cho pháo đài bay B-52”. Nói như vậy để biết rằng sự hy sinh của ta là to lớn. Những chiến sỹ hy sinh trong chiến dịch này phần lớn thi thể không còn nguyên vẹn. Như đã nói ở trên, có trường hợp hy sinh, thi thể bắt đầu phân hủy rồi, dân mới phát hiện ra đưa về”.

Theo ông Thách, quy cách chôn liệt sỹ tại nghĩa trang tạm năm xưa, là đào hố dài, xếp thi thể rồi chôn theo hàng. Mỗi mộ cách nhau khoảng 40cm, các hàng mộ cách nhau 50cm, tất cả liệt sĩ đều bọc nilon, chôn sâu từ 80cm-1m. Thậm chí có những lúc thi thể về nhiều quá, phải sử dụng luôn chiến hào quân VNCH đào ngăn xe tăng quân ta làm “huyệt mộ”. Những ngày có nhiều tù hàng binh tham gia chôn thì yêu cầu chôn thành từng huyệt riêng rẽ.

“Chúng có đạo đức trách nhiệm gì đâu?”

Vẫn lời ông Thách: “Năm 1975 chúng tôi chôn cất nghiêm chỉnh các liệt sỹ tại nghĩa trang tạm. Sau đó tôi chuyển sang làm việc tại ngành Tuyên giáo. Từ năm 1978-1982 cấp trên chỉ đạo di chuyển mộ liệt sỹ sang nghĩa trang mới. Bấy giờ ông Huỳnh Văn Thành (Ba Thành), giám đốc công ty xây dựng Xuân Lộc nhận thầu, rồi khoán cho đội Bảy Hùm và Ba Mây (là những đối tượng từng phục vụ chế độ cũ – PV) thực hiện. Thời điểm đó ông Mười Quốc là trưởng phòng Thương binh Xã hội.  

Năm 1978 khi bắt đầu cất bốc, tôi làm Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Dù khi đó không có chức trách liên quan, nhưng vì từng là “quản trang” ở đây, tôi có ra xem người ta làm như thế nào. Lúc bấy giờ thấy chúng cuốc, cào ra, bốc đàng hoàng. Nhưng không ngờ có người thì chúng làm tốt, không có người thì chúng làm kiểu khác. Chúng cố tình bỏ lại hài cốt, thậm chí một số ngôi mộ chúng trộn hài cốt này với hài cốt nọ.

Năm 1978 ở nghĩa trang tạm có hơn 2.000 mộ, đều là chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Xuân Lộc. Đây là nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất tỉnh Bà Rịa Long Khánh bấy giờ. Thế nhưng 2.000 ngôi mộ sau khi di chuyển sang nghĩa trang mới, chỉ cắm bia mộ một số, còn lại xấp xỉ 1.000 ngôi không cắm bia, bây giờ hầu hết ghi “Liệt sỹ chưa biết tên”, hoặc không ghi gì. Vì sao? Vì chúng làm ẩu, làm cho nhanh để kiếm tiền. Tại sao cơ quan chức năng hồi đó không giám sát? Họ có trách nhiệm gì đâu, bên Phòng Thương binh Xã hội giao khoán cho quản trang lo liệu, chỉ có ngày lễ thì ra làm lễ, rồi lại khoán trắng cho chủ thầu. Chiều chiều nếu có ra xem thì chủ thầu mời đi nhậu là quan chức địa phương ký văn bản “hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt”. Chúng có đạo đức trách nhiệm gì đâu?”.

Tội ác động trời trục lợi trên hàng ngàn hài cốt liệt sỹ ở Đồng Nai (kỳ 2) - Ảnh 2

Bạt ngàn mộ “Liệt sỹ chưa biết tên” và bia không tên trong Nghĩa trang Liệt sỹ Long Khánh.

“Mỗi một ngôi mộ liệt sỹ bị xâm phạm là nỗi đau của cả một gia đình, một dòng họ, các anh hỏi tại sao chúng tôi biết mà không phản ánh lên cơ quan chức năng ư? Xưa nay mỗi lần tiếp xúc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đoàn Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, chưa có lần nào là chúng tôi chưa nói tới nghĩa trang này. Nhưng chính quyền địa phương không quan tâm tới. Lúc đầu sự việc bị họ ém thông tin, bịt thông tin, thậm chí gây khó những người lên tiếng, mãi sau này họ mới vào cuộc điều tra.

Những người thầu công việc di dời hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang tạm về nghĩa trang mới mãi sau này mới bị pháp luật trừng trị. Vụ án xét xử khoảng năm 1994 - 1995, chúng tôi là nhân chứng mà không được tòa mời, không được lấy lời khai, tòa chỉ mới một cựu binh điếc tai làm “nhân chứng”. Ngay ông Phan Ngọc Mậu, Giám đốc Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc, là người phát hiện ra sự việc, cũng không được mời dự phiên tòa”.

“Tại sao chúng ác đến mức nhẫn tâm kiếm tiền trên xương máu của liệt sỹ? Tôi nghĩ có ba nguyên nhân. Thứ nhất là động cơ chính trị vì hai kẻ chủ mưu từng là sĩ quan VNCH, chắc chắn có thù hằn. Thứ hai là chúng quá tham lam đến táng tận lương tâm. Thứ ba là chính quyền địa phương buông lỏng quản lý giám sát”.

Gần 30 năm đã qua kể từ ngày tội ác động trời bị phát hiện, dù sự việc bị chính quyền địa phương bưng bít như tố cáo của một số nhân chứng, những kẻ gây ra tội đã phải trả giá. Ba Thành bị tù chung thân, sau đó chưa thụ án xong đã chết. Mười Quốc bị xét xử 20 năm tù, được giảm án, nay thành “ông già lẩm cẩm” như lời ông Thách nhận xét. Ba Mây với Bảy Hùm bị tuyên án tử hình, nhưng chưa thi hành án thì cũng đã chết trong tù.

Và vẫn còn đó những day dứt không nguôi. Về khoa học, làm sao để khắc phục tội ác khiến hàng hàng mộ liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sỹ Long Khánh không còn phải mang tấm bia “Liệt sỹ chưa biết tên”, hoặc bia mộ trắng? Ông Thách trầm ngâm: “Không thể khắc phục vì năm xưa chúng còn xáo trộn các bộ hài cốt, hoặc lấy hài cốt một liệt sĩ rồi chia ra làm mười mấy mộ. Thế nên không thể xác định ADN. Trước đây có những cán bộ quân đội tâm huyết với công tác liệt sĩ đã nghĩ tới nhưng không thể làm. Bây giờ chỉ có thể giải quyết về mặt tâm linh, thờ phụng.

Tội ác động trời trục lợi trên hàng ngàn hài cốt liệt sỹ ở Đồng Nai (kỳ 2) - Ảnh 3

Miếu thờ các anh hùng liệt sỹ trên khu đất từng là Nghĩa trang liệt sỹ tạm.

Đây mới là địa danh lịch sử, không chỉ là nơi quân ta phá tan phòng tuyến địch, mà còn là nơi mỗi nắm đất đều có máu thịt xương cốt liệt sỹ. Ở đây cỏ xanh tốt quanh năm, có cây sung được chim ăn trái nhả hạt lớn nhanh thần kỳ, giống như như cây bồ đề “trời ban” ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Về mặt tâm linh, vong linh các liệt sĩ vẫn còn xung quanh đây, tại nghĩa trang tạm này. Vì thế cựu chiến binh chúng tôi khẩn thiết xin làm đền thờ tại vị trí nghĩa trang tạm linh thiêng.

Chúng tôi có nguyện vọng để ra mấy nghìn m2 để cựu chiến binh phường Xuân Bình xây đền thờ, trồng vườn cây, xây nhà truyền thống. Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc đứng tên lô đất đã đồng ý như vậy. Nhưng trong câu chuyện này chính quyền Đồng Nai lại hành xử khác, dù liên tục nói về đền ơn đáp nghĩa”.

(Còn tiếp)