Trong sáng 4/12, cơ quan công tố tham gia thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xoay quanh việc tăng vốn điều lệ của DAB.
Ông Võ Văn Thuần, Phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN (TTGS NHNN) cho biết việc tăng vốn điều lệ của DAB căn cứ vào biểu quyết của Đại hội đồng thường niên. DAB phải thực hiện đúng các điều kiện được đặt ra và báo cáo NHNN. Sau đó, NHNN kiểm tra, thấy đảm bảo thì mới đồng ý cho tăng vốn.
10 năm không phát hiện sai phạm
HĐXX chất vấn đại diện NHNN về quy định đối với các ngân hàng được phép tăng vốn. Ông Thuần cho biết để tăng vốn thì ngân hàng đó phải có nguồn vốn hợp pháp, nguồn tiền minh bạch, rõ ràng. Nguồn tiền phải do chính cá nhân/tổ chức nộp vào. Nếu là tiền vay của chính DAB rồi dùng để tăng vốn là không được chấp nhận.
Chủ tọa cho biết trong vụ án này, tất cả nguồn tiền nằm tại DAB đều là nộp khống. Tòa chất vấn Phó cục trưởng Cục TTGS NHNN về trách nhiệm kiểm tra, giám sát của NHNN.
“Với nghiệp vụ của NHNN, năm nào cũng kiểm tra mà lại không phát hiện ra việc tăng vốn bằng nguồn vốn không hợp pháp (không có nguồn vốn thật). Vậy trách nhiệm của người thuộc NHNN và cơ quan TTGS NHNN trong việc kiểm tra thế nào?”, chủ tọa hỏi gay gắt.
Đại diện NHNN cho rằng ở góc độ quản lý đã làm đúng trách nhiệm nhưng vì thủ đoạn của Trần Phương Bình và các đồng phạm quá tinh vi nên không thể phát hiện ra. “Hành vi phát sinh lâu dài nhưng nghiệp vụ chuyên môn rất khó phát hiện. Khi đề nghị khởi tố vụ án phải trải qua nhiều lần thanh tra và kiểm quỹ mới phát hiện”, ông Thuần giải thích.
Chủ tọa nhắc lại 3 hành vi chủ yếu trong vụ án này: Chỉ đạo thu khống nộp tiền vào tài khoản khống mua cổ phần; điều khống nguồn vốn vàng hoặc tiền mặt về chi nhánh không kiểm tra; hợp thức hóa bằng các hợp đồng tín dụng khống.
“So với nghiệp vụ ngân hàng thì có tinh vi không?”, HĐXX hỏi lại đại diện NHNN. “Theo luật Thanh tra, khi ra quyết định thanh tra phải gửi thông báo…”, ông Thuần đang nói thì chủ tọa ngắt lời.
“NHNN nói hành vi của Trần Phương Bình và đồng phạm rất tinh vi. Việc tinh vi hay không sẽ xem xét và xem xét luôn trách nhiệm các đoàn TTGS NHNN. Nếu để ý một chút thôi thì sẽ thấy ngay dòng tiền kế toán đi không đúng. Nếu cho rằng tinh vi thì sổ sách hạch toán phải phù hợp với quỹ. Đó mới được xem là kiểm tra một cách toàn diện”, chủ tọa nhấn mạnh.
Đại diện NHNN cho rằng suốt 10 năm (2003-2013) kế hoạch thanh tra của NHNN là thanh tra theo từng chuyên đề, từng nội dung chứ không thanh tra toàn diện tình hình hoạt động của DAB. Đến năm 2014-2015 mới cho thanh tra toàn diện, lúc đó mới phát hiện ra vi phạm trong việc điều chuyển vốn.
“Trước tòa, ông có thấy trách nhiệm gì của NHNN, cơ quan TTGS NHNN trong việc để xảy ra vụ án kéo dài hơn 10 năm này không?”, chủ tọa hỏi.
Đại diện NHNN trả lời trong quá trình tác nghiệp chuyên môn phải rút ra bài học kinh nghiệm trong việc kiểm tra, hoạt động thanh kiểm tra phải tính toán toàn diện, không manh mún, không để xảy ra sai sót.
Trần Phương Bình qua mặt Thanh tra Ngân hàng Nhà nước
Trong các phần trả lời HĐXX của ông Bình và đồng phạm, ông cho biết từ năm 2014, NHNN mới bắt đầu thanh tra toàn diện DAB và phát hiện sai phạm. Trước đó, có năm không thanh tra hoặc thanh tra không toàn diện.
Nguyên Phó tổng giám đốc DAB Nguyễn Thị Kim Xuyến. Ảnh: Lê Quân.
Về hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cựu Tổng giám đốc DAB cho biết khi thanh tra thì NHNN báo trước vài ngày để DAB chuẩn bị nội dung cho việc thanh tra.
Khi nhận được văn bản đó, nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ thì cựu Tổng giám đốc DAB sẽ chỉ đạo các nhân viên liên quan bằng mọi cách che giấu bằng cách điều chuyển các khoản khống tới các chi nhánh khác, nơi NHNN không thanh tra.
Các hành vi vi phạm của Trần Phương Bình và đồng phạm là nguyên nhân dẫn đến việc ngày 31/12/2015, DAB bị âm quỹ 25.451 tỷ đồng. Trần Phương Bình khai để hợp thức hóa việc hạch toán khống, ông chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện ký, xuất biên nhận cho phù hợp, đến cuối ngày điều chuyển về Hội sở để âm quỹ.