Cụ thể, TAND quận Đống Đa vừa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11.1.2019.
Cổ phiếu VCG của Vinaconex trên sàn chứng khoán ngay lập tức phản ứng. Đến cuối phiên ngày 28.3, cổ phiếu VCG giảm về mức giá sàn với dư bán 1,8 triệu đơn vị. Thanh khoản cả phiên ở mức cao kỷ lục gần 5 triệu cổ phiếu, cao gấp 5 lần khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất..
Trước đó, giá cổ phiếu VCG đã tăng khá mạnh kể từ sau hoạt động thoái vốn của cổ đông nhà nước, đặc biệt là sau ĐHCĐ bất thường diễn ra hồi trung tuần tháng 1 vừa qua.
Được biết, Vinaconex đã có văn bản khiếu nại gửi Chánh án TAND TP. Hà Nội và Chánh án toà Đống Đa ngay sau quyết định trên từ Toà án. Trong đó, đơn vị này kiến nghị huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp mà cơ quan này vừa ban hành.
Vinaconex đồng thời yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tổng công ty và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định dừng khẩn cấp nói trên, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định này được công bố.
Trước đó, hôm 11.1, Vinaconex tổ chức đại hội cổ đông bất thường bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 với tỷ lệ tán thành lần lượt là 99,99% và 99,98% cổ đông dự họp.
Đại hội này diễn ra chỉ sau 2 tháng kể từ thời điểm Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã thoái thành công lần lượt 57,71% và 21,28% vốn điều lệ và không còn là cổ đông của Vinaconex.
Công ty Bất động sản Cường Vũ và Công ty Star Invest hiện là cổ đông lớn nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,6% cổ phần của Vinaconex.
Số cổ phần này được mua lại từ Viettel và Pyn Elite Fund vào cuối năm 2017. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Vinaconex hiện là Cty TNHH An Quý Hưng, sở hữu 57,7% cổ phần. Số cổ phần này được mua lại từ SCIC.