Số thu thuế TNCN tăng gấp 2,4 lần kể từ năm 2013
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức tăng từ 9 triệu đồng hiện nay lên 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm) và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, mức GTGC được căn cứ theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi. Theo đó, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm áp dụng mức GTGC gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC phù hợp với biến động giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức GTGC thêm 2 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và thêm 800.000 đồng/tháng cho người phụ thuộc là dựa trên mức tăng tương ứng với mức biến động của CPI.
CPI cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 là 123%, tăng 23,2%. Do đó, mức GTGC cho người nộp thuế hiện là 9 triệu đồng x mức biến động giá 123% = 11,088 triệu đồng, làm tròn là 11 triệu đồng.
Còn mức GTGC cho người phụ thuộc hiện 3,6 triệu đồng x biến động giá 123% = 4,4352 triệu đồng, làm tròn là 4,4 triệu đồng.
"Sau khi lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, tổ chức..., Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Nếu kiến nghị được chấp thuận sẽ áp dụng mức GTGC mới cho kỳ tính thuế của năm nay", đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết.
Theo cơ quan soạn thảo, với mức giảm trừ mới, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thấp sẽ cao hơn.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng thì theo quy định mới sẽ không phải nộp thuế.
Thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) hiện nộp thuế 490.000 đồng/tháng (tương đương 2,5% thu nhập) thì theo mức GTGC mới sẽ nộp 230.000 đồng/tháng, tương đương giảm 260.000 đồng tiền thuế/tháng (giảm hơn 48% số thuế phải nộp so với hiện hành)...
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức GTGC lên ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, ngân sách giảm thu hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế chứng minh khi điều chỉnh tăng mức GTGC từ năm 2013, số thu từ sắc thuế này lại tăng liên tục.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, số thuế TNCN đóng góp cho ngân sách nhà nước luôn tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2013, số thuế TNCN đạt 46.548 tỷ đồng, năm 2014, con số này là 47.844 tỷ đồng, năm 2016, con số này là 64.000 tỷ đồng, năm 2019, dự toán đạt 113.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu so với số thuế TNCN năm 2013 thì theo dự toán, đến năm 2019, con số thu này đã tăng gấp hơn 2,4 lần.
Không nên tận thu
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, việc giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng là thấp, vì có khi vẫn thiếu trước hụt sau mà đã phải nộp thuế thu nhập. Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đưa ra không dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.
“Tại sao mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gấp 1,5 lần, mà mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau? Nếu căn cứ vào mức sống hay mức lương tối thiểu, thì mức giảm trừ gia cảnh lại là quá cao. Còn nếu tính hợp lý, thì phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu, có hoá đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Theo ông Đức, việc quy định mức tăng lạm phát trên 20% mới thay đổi mức GTGC là chưa hợp lý, cần giảm xuống một nửa.
“Nếu 1-2 năm vượt mức này thì còn đỡ, nhưng giả sử xảy ra trường hợp, lạm phát đã tăng 20%, nhưng không vượt hơn trong nhiều năm, thì người nộp thuế sẽ bị thiệt dài hạn. Với thực tế như trên, việc quy định lạm phát 20% mới giảm trừ gia cảnh như trong thời gian qua là rất vô lý”, ông Đức nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, thuế suất thuế TNCN hiện chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và cao so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia... Do đó, cần sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức GTGC để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp.
“Cần giảm 7 bậc xuống còn 4 – 5 bậc thuế và giảm thuế suất bậc đầu tiên cũng như bậc cuối cùng. Nếu giảm thuế suất bậc 1 từ 5% hiện nay xuống còn 1 – 2% chẳng hạn, thì sẽ không còn quá quan trọng trong việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, mà có thể giữ ổn định hàng chục năm, cho dù lạm phát lớn, vì mức độ biến động thấp, sẽ không bị phản đối mạnh mẽ như những năm qua”, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị.
Đồng quan điểm này, chia sẻ trên báo Thanh Niên, TS. Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận định, GDP bình quân đầu người trong hơn 6 năm qua đã gia tăng mạnh cho thấy đời sống và mức chi tiêu của người dân cũng tăng lên. Mức GTGC đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng vì nếu không lại khiến người dân nghèo hơn. Đó là chưa kể hiện nay nhiều nước đang hướng đến nền kinh tế chi tiêu để tạo động lực phát triển thì Việt Nam cũng nên đi theo hướng này.
“Tôi cho rằng cần chỉnh sửa lại luật thuế TNCN hiện hành với việc bãi bỏ các quy định chưa hợp lý cũng như từng bước cho phép người dân được liệt kê các chi phí hợp lý như học hành, khám chữa bệnh trước khi tính thu nhập còn chịu thuế”, TS. Lê Đạt Chí nêu quan điểm.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên tắc trong chính sách thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có thể tạo ra nguồn thu mới, do đó, không nên tận thu. Luật thuế TNCN được coi là “thuế Vua”, “thuế Nữ hoàng” vì Luật này khi đi vào cuộc sống tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội về nhiều mặt. Do đó, không nên sợ mất nguồn thu khi điều chỉnh tăng GTGC vì thực tế chứng minh chính sách thuế hợp lý thì số thuế sẽ tăng và ổn định, bởi thu nhập bình quân đầu người qua các năm đều tăng lên và theo kế hoạch đề ra thì mức thu nhập bình quân đầu người sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới./.