Ngày pháp luật

Tỉnh thành nào là ‘điểm nóng’ tiếp theo cho đầu tư bất động sản công nghiệp?

Đoàn Chi

Tổng kết thị trường quý I/2024, các chuyên gia của Avison Young cho rằng khi nhu cầu thuê cao nhưng nguồn cung tại ba trung tâm công nghiệp chính gồm TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội không đủ đáp ứng, các khu công nghiệp (KCN) mới ngày càng phát triển về hướng các tỉnh thành lân cận.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản công nghiệp đang chuyển mình, nhiều kế hoạch chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN hiện đại đang được triển khai.

Tại khu vực phía Bắc, giá thuê hạ tầng trong KCN tại Hà Nội ở mức 214 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 1% so với quý trước và giảm dần về các khu vực xa thủ đô, dao động từ 120-165 USD/m2/chủ kỳ thuê tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Theo chuyên gia Avison Young, một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Hà Nam có tiềm năng trở thành ‘điểm nóng’ công nghiệp tiếp theo nhờ vị trí giáp biên giới Trung Quốc, duy trì sức hút với các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan.

Giá thuê tại các địa phương này dao động từ 90-120 USD/m2/kỳ hạn tính đến cuối quý I/2024.

Tại TP HCM, bên cạnh nguồn cung ổn định, giá thuê trung bình không thay đổi so với quý trước, ở mức 230 USD/m2 /kỳ hạn.

Tại Đồng Nai và Bình Dương, giá thuê bình quân trong quý vào khoảng 170-175 USD/m2/kỳ hạn, ổn định so với cuối năm ngoái.

Chuyên gia Avison Young cũng đánh giá, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ trở thành điểm đến tiếp theo cho đầu tư bất động sản công nghiệp nhờ giá thuê còn hợp lý ở mức 100-110 USD/m2/kỳ hạn.

Gần đây nhất, Suntory Pepsico Vietnam đã khởi công nhà máy lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương tại KCN Hựu Thạnh, tỉnh Long An.

Ở Đà Nẵng, giá thuê không đổi so với quý trước ở mức 95 USD/m2/kỳ hạn và không có nguồn cung mới được ghi nhận trong quý đầu năm. 4/5 KCN hiện hữu tại Đà Nẵng với tổng diện tích hơn 2.500 ha đã cho thuê gần như toàn bộ với tỷ lệ trên 95% nhưng việc triển khai đầu tư ba KCN mới (KCN Hoà Cầm giai đoạn 2, KCN Hoà Ninh và KCN Hoà Nhơn) còn vướng mắc.

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, TP Đà Nẵng quy hoạch chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn và sẽ chuyển đổi một KCN theo mô hình KCN sinh thái theo tiêu chí quốc gia.

Trong khi đó, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế sắp có thêm KCN VSIP Bắc Thạch Hà và KCN Gilimex, còn Khánh Hòa vừa phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án KCN Dốc Đá Trắng 288ha trong Khu Kinh tế Vân Phong.

Còn khu vực Đông Nam Bộ có 100 KCN và khu chế xuất với tổng diện tích đất công nghiệp đang được sử dụng cao nhất cả nước tính đến quý I/2024.

Tin Cùng Chuyên Mục