Ngày pháp luật

Tỉnh Thanh Hóa xây dựng và phát triển các mô hình an toàn thực phẩm

Tô Hà

Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn... Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng và ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, thực hiện chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; tỉnh ta đã phân bổ 404,9 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất 244,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh; 57,4 ha sản xuất rau an toàn trong nhà lưới; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem kiểm định hằng năm cho 374,5 ha sản xuất rau an toàn; xây dựng 74 cửa hàng kinh doanh rau an toàn. Đồng thời hỗ trợ 71,4 tỷ đồng nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; phát triển 23 khu trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP.

Cùng với đó bước đầu triển khai thực hiện chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với kinh phí đã hỗ trợ 12,3 tỷ đồng cho diện tích 982 ha. Ban hành kế hoạch xây dựng các mô hình thí điểm về ATTP đến hết năm 2018, hỗ trợ kinh phí xây dựng 13 mô hình thí điểm ATTP cấp tỉnh, 298 mô hình thí điểm ATTP cấp huyện; hỗ trợ 50 triệu đồng/chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, từ 150 - 300 triệu đồng/mô hình giết mổ ATTP, từ 300 - 500 triệu đồng/chợ kinh doanh thực phẩm; 200 triệu đồng/xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP; từ 1,5 - 3 triệu đồng/tổ giám sát ATTP tại chợ thực hiện mô hình; 700.000 đồng/tháng cho tổ giám sát cộng đồng thôn tại xã/phường/thị trấn thực hiện mô hình.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Nông Cống đang được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Nông Cống đang được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

UBND cấp huyện đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động bảo đảm ATTP hằng năm. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách hoặc bố trí ngân sách hỗ trợ xây dựng mô hình ATTP như: Huyện Bá Thước hỗ trợ trên 3,3 tỷ đồng xây dựng các mô hình đảm bảo ATTP, 1,9 tỷ đồng cho hoạt động quản lý ATTP; huyện Nông Cống hỗ trợ 300 triệu đồng/chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 20 triệu đồng/cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 100 triệu đồng/xã ATTP; huyện Đông Sơn hỗ trợ 700 triệu đồng cho hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng thôn, tổ giám sát ATTP tại chợ; huyện Thọ Xuân hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 50 triệu đồng/xã ATTP...

Các cơ chế, chính sách đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các địa phương, Nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.444 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP; 1.061 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hằng năm, cung ứng ra thị trường hơn 397.000 tấn sản phẩm thực phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, có 388 chợ được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 và QCVN 02-30:2018/BNNPTNT. Đến nay, 300 chợ đã được đánh giá, chứng nhận và hoàn thành các thủ tục công bố theo quy định (đạt 77,3%). Ngoài ra, các địa phương đã xây dựng được 504 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các khu vực đông dân cư và đã được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc hướng dẫn ký cam kết bảo đảm ATTP; có 407/559 xã, phường, thị trấn được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí ATTP, đạt 72,8%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong xây dựng các mô hình vẫn còn những khó khăn nhất định. Đó là, số lượng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn nhiều nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, hiệu quả đạt được chưa cao. Các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chưa đảm bảo tính bền vững; chưa xây dựng được nhiều chuỗi có quy mô, sản lượng lớn; khối lượng thực phẩm an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh chưa nhiều. Một bộ phận nông dân và người sản xuất, kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hại của thực phẩm không an toàn; tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong Nhân dân.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; mô hình xã, phường, thị trấn ATTP, phấn đấu đến hết năm 2025, có 100% các xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP, 20% trở lên số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí xã ATTP nâng cao... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự vào cuộc, quan tâm đầu tư của tỉnh, thì người sản xuất, người tiêu dùng phải đóng vai trò trung tâm. Và câu chuyện thực phẩm bẩn chỉ được giải quyết hiệu quả bắt đầu từ chính ý thức, trách nhiệm mỗi người dân.