Ngày pháp luật

Tinh thần lạc quan đẩy lùi ung thư giữa đại dịch Covid-19

Vân Trang

Hiện tại, ung thư (UT) vẫn là căn bệnh nan y khó chữa. Và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các bệnh nhân UT là đối tượng phải được dự phòng cao nhất. Trong lúc này, tinh thần lạc quan chính là liều thuốc hữu hiệu đẩy lùi căn bệnh nan y này khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Nỗi lo chồng nỗi lo…

Theo số liệu Globcan năm 2020, hàng năm chúng ta có khoảng 182 nghìn ca UT mới mắc và có khoảng 122 nghìn ca tử vong do UT. Trong thời gian qua, nhờ có các chương trình giáo dục sức khỏe, truyền thông, các chương trình phòng chống UT quốc gia được thực hiện hiệu quả trên khắp cả nước mà tỷ lệ bệnh nhân đến viện khám, điều trị ở giai đoạn sớm hơn. Các phương pháp điều trị chính cho bệnh UT bao gồm phẫu thuật, xạ trị và các liệu pháp toàn thân như hóa trị, nội tiết, điều trị đích, miễn dịch… đều được áp dụng tại Việt Nam với các tiến bộ được cập nhật thường xuyên.

Tinh thần lạc quan đẩy lùi ung thư giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện K cho biết: Về phẫu thuật, thường là phương pháp đầu tay cho nhiều loại UT, đặc biệt ở giai đoạn sớm, chúng ta đã trải qua giai đoạn phẫu thuật tàn phá chuyển sang giai đoạn phẫu thuật thu nhỏ hơn vừa đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh UT vừa đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh, phẫu thuật mới được áp dụng thường quy hơn như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật sinh thiết hạch cửa và gần đây có phẫu thuật nội soi Robot được áp dụng ở một số bệnh viện trên cả nước. Chúng ta đã đạt được tất cả các tiến bộ ngoại khoa trong phẫu thuật UT cho hầu hết các bệnh UT có chỉ định phẫu thuật. Phối hợp đa mô thức trong điều trị UT là một thế mạnh của các bệnh viện chuyên khoa UT, nơi đó có các phẫu thuật viên, các nhà xạ trị, hóa trị, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh… cùng phối hợp với nhau để lựa chọn cho mỗi cá thể người bệnh một chiến lược điều trị phù hợp nhất.

Tinh thần lạc quan đẩy lùi ung thư giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2

Đối với xạ trị, hầu hết các kỹ thuật xạ trị đều được áp dụng tại Việt Nam với các máy móc được trang bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyên môn như kỹ thuật xạ trị IMRT, VMAT, xạ trị định vị thân, xạ phẫu, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh… Với tiến bộ này, kết quả điều trị bằng xạ trị cho người bệnh UT được nâng cao và quan trọng hơn nữa đó là giảm tác dụng phụ của xạ trị qua đó đảm bảo chức năng sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Tiến Quang: Trong những năm qua, sự bùng nổ về các thuốc trong điều trị UT là những tiến bộ đáng kể, cải thiện rõ rệt thời gian sống thêm cho người bệnh, đặc biệt bệnh nhân UT giai đoạn cuối. Các thuốc mới phải kể đến đó là thuốc đích trong điều trị UT vú như các thuốc kháng Her2, thuốc ức chế PARP, thuốc ức chế CDK 4/6, các thuốc ức chế TKI trong điều trị UT phổi, các thuốc miễn dịch như các thuốc ức chế PD1, PDL1... được ứng dụng trong điều trị nhiều loại UT như ung thư phổi, UT vú, UT đầu cổ, UT cổ tử cung … “Hiện chúng ta đã tiếp cận được với nhiều loại thuốc mới này, tuy nhiên rào cản lớn nhất đó là chi phí thuốc còn cao, chỉ một số ít thuốc BHYT chi trả 50%, số còn lại người bệnh phải tự chi trả do vậy ước tính chỉ khoảng 10 - 50% bệnh nhân tiếp cận được với các thuốc mới này. Đây là khó khăn lớn nhất của chúng tôi trong thực hành điều trị hiện nay!” – TS.BS Nguyễn Tiến Quang cho hay.

Tinh thần lạc quan đẩy lùi ung thư giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 3

Vẫn là một căn bệnh nan y khó chữa, nhưng nỗi lo chồng nỗi lo trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Thực tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện K cho biết: Đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động điều trị người bệnh UT trên khắp cả nước. Bệnh viện thiếu nhân lực, nguồn lực cũng bị hạn chế do phải đầu tư vào công tác phòng chống dịch trong thời gian dài, khó khăn trong tiếp cận khoa học khi bị giãn cách, hạn chế đi lại, giao lưu học hỏi với các chuyên gia quốc tế và khó khăn nữa đến từ khó khăn của chính người bệnh - là những người cũng bị Covid-19 tác động đến cuộc sống thường ngày của họ.

Chú trọng công tác dự phòng!

Để chủ động đối phó với những tác động của Covid-19 lên bệnh nhân UT – một trong những đối tượng phải dự phòng cao nhất, TS.BS Nguyễn Tiến Quang cho hay: Ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020, BV đã cập nhật nắm bắt các thông tin về dịch bệnh nói chung và ảnh hưởng của dịch bệnh đến bệnh nhân UT nói riêng để hướng dẫn cho nhân viên y tế và người bệnh các thông tin cần thiết nhằm phòng chống lây nhiễm Covid-19.

Hiện nay các nhà khoa học đã khẳng định những người mắc bệnh nền trong đó có bệnh UT sẽ có nguy cơ mắc Covid-19 và tử vong cao hơn nếu như mắc Covid-19 trong khi đang điều trị với các liệu pháp UT. Trong số đó có 2 bệnh được kể đến có ảnh hưởng rõ rệt nhất nếu mắc Covid-19 đó là UT phổi và UT hệ tạo huyết. Các bệnh UT khác việc mắc Covid-19 ảnh hưởng như thế nào tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và các phương pháp điều trị UT đang được áp dụng.

Tinh thần lạc quan đẩy lùi ung thư giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 4

Theo TS. BS Nguyễn Tiến Quang: Một điều đơn giản ai cũng có thể thấy đó là mắc Covid-19 trong khi đang điều trị bệnh UT thì ít nhất người bệnh phải tạm trì hoãn điều trị đến khi bệnh Covid-19 ổn định, như vậy tùy thuộc thời gian trì hoãn, nếu trì hoãn dài sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh UT.

Thêm vào đó, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta bùng phát nhiều đợt, việc đi khám sàng lọc UT cũng không được chú trọng, người dân tâm lý sợ đến bệnh viện nên đôi khi để bệnh ở giai đoạn quá muộn mới đến khám. Hoặc có trường hợp người bệnh đang điều trị bằng hóa trị, xạ trị xuất hiện tác dụng phụ nhưng tâm lý sợ đến bệnh viện nên để biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 đã được khuyến cáo đối với tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trừ trường hợp có chống chỉ định và chúng ta cũng đã thấy hiệu quả của vắc xin qua các con số báo cáo hàng ngày về số ca mắc, số ca tử vong trong ngày do Covid-19, tuy vậy vẫn còn nhiều bệnh nhân UT lo sợ việc tiêm vắc xin có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh UT hoặc sợ tiêm vắc xin trên bệnh nhân UT sẽ bị nhiều tác dụng phụ hơn… nên đã từ chối tiêm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chính người bệnh UT!

Nhận định dịch Covid-19 có thể sẽ kéo dài, chưa xác định thời gian kết thúc cũng như xu hướng về mức độ nguy hiểm của bệnh, vị chuyên gia này đưa ra một số lời khuyên cho người bệnh UT như sau: Thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế; Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo hướng dẫn về phòng bệnh Covid-19 theo các khuyến cáo cập nhật từng thời điểm (Ví dụ 5K); Tuân thủ các hướng dẫn trong quá trình điều trị bệnh UT, phối hợp tốt với nhân viên y tế để xử lý các tình huống phát sinh như tác dụng phụ của điều trị, nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị; Luôn nâng cao tinh thần lạc quan, tin tưởng, duy trì luyện tập và chế độ dinh dưỡng phù hợp để có thể vừa tiếp tục điều trị UT vừa tăng sức đề kháng phòng lây nhiễm Covid-19; Nếu bị nhiễm Covid-19 không nên hoang mang lo sợ, phối hợp tốt với y tế địa phương và bác sĩ điều trị UT để có hướng giải quyết sớm nhất, phù hợp nhất!

Xoa dịu nỗi đau tinh thần!

Cũng theo vị chuyên gia này, hỗ trợ tâm lý là một phần không thể thiếu trong chiến lược điều trị người bệnh UT. Người bệnh tâm lý tốt chắc chắn sẽ có sức khỏe tốt hơn, lạc quan hơn và tuân thủ phác đồ điều trị nhiều hơn.

Thực tế, Bệnh viện K đã có nhiều hoạt động giúp hỗ trợ tâm lý cho người bệnh UT như: Thành lập các câu lạc bộ hỗ trợ người bệnh (Câu lạc bộ bệnh nhân UT vú, UT vòm họng. Qua nội dung hoạt động của câu lạc bộ, người bệnh không những nhận được chia sẻ từ nhân viên y tế mà còn có cơ hội chia sẻ với nhau – giữa các đồng bệnh trong cuộc chiến chống bệnh UT. Cùng với đó, bệnh viện cũng tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp hàng tuần qua trang panpage, youtube nhiều nội dung hỗ trợ người bệnh, trong đó có nội dung tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và người nhà người bệnh; Tuyển dụng bác sĩ tâm lý công tác tại bệnh viện để hỗ trợ người bệnh nếu có nhu cầu tư vấn tâm lý chuyên sâu…

Chương trình “Đưa âm nhạc vào bệnh viện” được thực hiện đồng thời cùng với nhiều bệnh viện trong cả nước. “Người bệnh UT đã thực sự có những phút giây vui vẻ, hòa mình cùng các ca sĩ, đồng bệnh và cả nhân viên y tế trong không gian rất đặc biệt đó là tại sân bệnh viện hay ngay tại giường bệnh. Có cả nụ cười và những giọt nước mắt xen lẫn khi người bệnh cất tiếng hát nơi đây, chúng tôi hiểu lúc đó họ tạm quên đi nỗi đau thể xác và tinh thần để được hòa vào lời ca tiếng hát, được sống trong những khoảnh khắc thực sự hạnh phúc. Chúng tôi may mắn vì chương trình luôn nhận được sự tham gia nồng nhiệt, ấm áp của các ca sỹ, các tình nguyện viên. Chúng tôi thực sự trân trọng những tình cảm mà các nghệ sỹ đã dành tặng cho người bệnh UT và tôi tin rằng chương trình rất có ý nghĩa này tiếp tục được nhân rộng tại khắp các bệnh viện trên cả nước!” – TS.BS Nguyễn Tiến Quang xúc động nói.

Hỗ trợ tâm lý là một phần không thể thiếu trong chiến lược điều trị người bệnh UT, Người bệnh tâm lý tốt chắc chắn sẽ có sức khỏe tốt hơn, lạc quan hơn và tuân thủ phác đồ điều trị tốt hơn!

Tin Cùng Chuyên Mục